Việc làm

Phẫn nộ vì bị trừ 20% thu nhập, tài xế Grab và Gojek đồng loạt biểu tình

Ái Hân 23/05/2025 16:00

Tài xế Grab, Gojek tại Indonesia biểu tình vì bị trừ đến 20% thu nhập, đối mặt rủi ro cả tính mạng.

Thu nhập chỉ khoảng 200.000 đồng/ngày nhưng phải nộp tới 20% hoa hồng, hàng nghìn tài xế Grab và Gojek tại Indonesia đang vật lộn giữa cuộc sống mưu sinh và sự bóc lột trong nền kinh tế chia sẻ. Với họ, đây không chỉ là vấn đề tiền bạc mà còn là mạng sống.

Phẫn nộ vì bị trừ 20% thu nhập, tài xế Grab và Gojek đồng loạt biểu tình
Tài xế Grab, Gojek tại Indonesia biểu tình vì bị trừ đến 20% thu nhập. Ảnh minh hoạ

Gần đây, làn sóng phản đối mạnh mẽ của giới tài xế Grab và Gojek đang lan rộng tại Indonesia. Theo Hiệp hội Garda Indonesia, ngày 20/5 vừa qua đã chứng kiến hơn 25.000 tài xế ô tô và xe máy đồng loạt ngưng hoạt động để tham gia biểu tình trên khắp đảo Java và Sumatra. Các địa điểm biểu tình chính bao gồm văn phòng tổng thống, quốc hội và Bộ Giao thông tại Jakarta.

>>Cây từng mọc dại ven sông nay mang lại hơn 1 tỷ đồng mỗi năm cho chàng trai 8X miền Tây

Tài xế phản đối mức chiết khấu lên tới 20% mà các nền tảng áp dụng, cho rằng điều này bóp nghẹt thu nhập của họ. Họ kiến nghị áp mức trần hoa hồng 10%, xóa bỏ các chương trình giảm giá gây ảnh hưởng thu nhập và áp dụng giá cước cố định với dịch vụ giao hàng.

Một trong những mối quan ngại lớn là kế hoạch sáp nhập giữa hai nền tảng lớn là Grab và GoTo, công ty mẹ của Gojek. Nhiều tài xế lo sợ rằng điều này sẽ dẫn đến tình trạng độc quyền, cắt giảm nhân sự và tăng giá dịch vụ, gây thiệt thòi cho cả tài xế lẫn người tiêu dùng.

Phía GoTo cho biết họ ghi nhận các phản hồi của tài xế nhưng không xem việc giảm hoa hồng là giải pháp bền vững, với lý do cần nguồn lực duy trì hệ sinh thái và hỗ trợ cộng đồng tài xế. Trong khi đó, Grab khẳng định mức chiết khấu 20% là cần thiết để bảo đảm chất lượng dịch vụ và tính ổn định của hệ thống.

Trong bối cảnh thu nhập trung bình mỗi ngày dao động từ 150.000 đến 230.000 rupiah, tương đương khoảng 6 triệu đồng mỗi tháng cho ca làm 12 tiếng, chi phí nhiên liệu và chiết khấu đang ăn mòn phần lớn số tiền tài xế có thể giữ lại.

Raden Igun Wicaksono, Chủ tịch Hiệp hội tài xế xe máy trực tuyến Indonesia, thẳng thắn: "Nhiều người bạn của chúng tôi đã gặp tai nạn, thậm chí là thiệt mạng vì phải làm việc kiệt sức để kiếm đủ sống. Đây là vấn đề sinh mạng, không thể chỉ nhìn bằng lăng kính kinh doanh".

Tài xế Umi Muthia, 50 tuổi, từ Tulungagung chia sẻ cô tạm tắt ứng dụng để thể hiện sự ủng hộ phong trào biểu tình, dù vẫn hoàn thành những đơn hàng đã nhận trước đó. "Tôi hy vọng các bên sớm tìm được giải pháp, bởi chúng tôi không thể tiếp tục sống trong sự bất ổn như thế này mãi được".

Giống như nhiều nền tảng công nghệ toàn cầu, Grab và Gojek bị chỉ trích vì không cung cấp đầy đủ quyền lợi như nhân viên chính thức cho tài xế, những người vốn chỉ được xem là đối tác độc lập. Trong khi đó, chính phủ Indonesia cho biết đang xem xét lại cơ chế chiết khấu hiện hành để đảm bảo sự công bằng.

Dịch vụ gọi xe công nghệ đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông đô thị hiện đại. Nhưng nếu không có chính sách bảo vệ đúng mức, những người cầm lái, trụ cột vận hành nền kinh tế chia sẻ, sẽ tiếp tục là những người chịu thiệt thòi lớn nhất.

>>Một thương hiệu vượt mốc 1.290 tỷ USD, giữ vững ngôi vương thương hiệu giá trị nhất thế giới

Nam sinh đến từ Điện Biên được Nvidia tuyển thẳng trước khi nhận bằng tốt nghiệp

Yamaha tung siêu phẩm xe ga 125cc, giá 'mềm': Nâng cấp toàn diện, tuyên chiến phân khúc xe ga phổ thông

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/phan-no-vi-bi-tru-20-thu-nhap-tai-xe-grab-va-gojek-dong-loat-bieu-tinh-290641.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Phẫn nộ vì bị trừ 20% thu nhập, tài xế Grab và Gojek đồng loạt biểu tình
    POWERED BY ONECMS & INTECH