Phát hiện loại gỗ ở Việt Nam nổi tiếng cứng cáp, có thể thay thế bê tông trong tương lai, chịu được cả bão gió giật cấp 13
Chúng được coi như "bê tông xanh" trong tương lai, giúp giảm thời gian thi công của các đơn vị.
Sự phát triển của xã hội kéo theo những đột phá không ngừng trong ngành xây dựng, kiến trúc. Trong đó, các nhà khoa học liên tục khám phá ra nhiều loại vật liệu mới với những đặc tính vượt trội, mang lại ứng dụng thiết thực trong đời sống. CLT - viết tắt của Cross Laminated Timber (tạm dịch là gỗ ép chéo hoặc gỗ dán chéo), là một trong những vật liệu hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích cho người dùng.
CLT được sản xuất bằng cách xếp chồng các thanh gỗ song song lên nhau sao cho lớp trên vuông góc với lớp dưới theo hướng thớ gỗ. Sau đó, các lớp này được liên kết với nhau bằng một loại keo đặc biệt có khả năng chống cháy, tạo thành những tấm gỗ độc đáo.
Mỗi tấm CLT thường dày từ 10-50cm và có số lớp gỗ lẻ. Theo trang Architect and Design của Úc: "Việc xếp các thanh gỗ song song sẽ làm dàn trải lực của vật nặng đặt lên chúng đều theo các hướng và xếp lớp vuông góc với nhau sẽ ngăn các phiến gỗ bị co rút hay biến dạng".
Được phát triển từ đầu những năm 1990, CLT đã trở thành một trong những vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về xây dựng xanh. CLT được coi là "bê tông xanh" của tương lai nhờ khả năng giảm tới 50% lượng carbon so với bê tông truyền thống và cải thiện thời gian thi công đến 80%. Vì được sản xuất sẵn tại nhà máy, CLT giúp rút ngắn đáng kể thời gian thi công. Thay vì phải xây dựng từng phần tại công trường như phương pháp truyền thống, các tấm CLT sản xuất sẵn chỉ cần mang tới lắp ráp tại công trình, giúp đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là đối với các dự án cần hoàn thành gấp.
Với độ bền chắc, khả năng chống cháy và cách nhiệt hiệu quả, CLT có tính ứng dụng rất cao. Dù gỗ thường gợi liên tưởng đến nguy cơ cháy nổ nhưng loại "bê tông xanh" này được thiết kế với những tính năng an toàn vượt trội.
Khi tiếp xúc với lửa, lớp bề mặt của gỗ sẽ tạo thành một lớp bảo vệ tự nhiên, ngăn lửa lan vào bên trong. Ngoài ra, các lớp chống cháy còn được bổ sung lên tấm CLT nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình. Loại vật liệu có thể thay thế bê tông được coi như một chất cách nhiệt tự nhiên hiệu quả, giúp duy trì nhiệt độ ổn định bên trong. Vào mùa hè, CLT ngăn chặn nhiệt độ bên ngoài xâm nhập, giữ cho không gian luôn mát mẻ. Còn vào mùa đông, chúng có công dụng giữ nhiệt bên trong giúp tiết kiệm năng lượng sưởi ấm.
Đặc biệt, CLT nổi bật với khả năng chống chịu tốt trước các tác động của môi trường như nắng, mưa, tia UV và thậm chí là các loại hình thiên tai. Vật liệu này có thể thay thế bê tông trong việc xây dựng các tòa nhà cao tới 10-11 tầng và trụ vững trước bão với gió giật cấp 13 mà không ảnh hưởng đến chất lượng. Với tính đa năng, CLT có thể được sử dụng linh hoạt trong nhiều hạng mục như mái, vách, trần và sàn, mở ra vô vàn khả năng sáng tạo cho các kiến trúc sư trong việc thiết kế những công trình độc đáo và ấn tượng.
Các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư đã ứng dụng gỗ này vào các công trình nổi tiếng trên thế giới như Tòa nhà Brock Commons (Canada), Khách sạn Tallwood House (Australia), Tòa nhà Murray Grove (Vương quốc Anh), Tòa nhà T3 Minneapolis (Mỹ)...
Với việc đưa CLT vào Việt Nam thông qua việc nhập khẩu chuyền sản xuất vào cuối năm 2023, Tập đoàn Trần Đức đã tạo nên một bước ngoặt đáng kể trong ngành xây dựng. Động thái này không chỉ mở ra một hướng đi mới mà còn khẳng định vị thế tiên phong của tập đoàn trong việc xây dựng một tương lai bền vững cho ngành xây dựng Việt Nam, đồng thời đưa nước ta sánh ngang với các quốc gia phát triển trong lĩnh vực này. Sàn của gian hàng Trần Đức tại HawaExpo 2024 chính là sản phẩm đầu tiên được sản xuất với theo chuyền CLT. Sản phẩm này có diện tích lên đến hơn 300m2, chỉ mất khoảng 72 giờ thi công và có sức chứa lên đến 300 người.