Tiểu đường là bệnh lý nội tiết mãn tính có thể gây nguy hiểm đến người bệnh, khiến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân giảm dần theo thời gian.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường tại nước ta đang có xu hướng gia tăng đáng kể và độ tuổi của những người bị mắc bệnh cũng ngày càng trẻ hóa. Điều đáng lo ngại là nhiều người không nhận thức được rằng lối sống ít vận động là một yếu tố dẫn đến bệnh. Chính sự thiếu hiểu biết này đã vô tình tạo điều kiện cho bệnh tiểu đường phát triển, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống của nhiều người.
Những người ít vận động, đặc biệt là những người làm việc trong môi trường bệnh viện hoặc văn phòng, có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao gấp ba lần so với những người lao động chân tay. Nguyên nhân chính khiến ít vận động gây nguy cơ tiểu đường là do tuyến tụy, nơi sản xuất insulin, đồng thời giúp tế bào lấy glucose từ máu và sử dụng nó để tạo năng lượng cho các hoạt động của tế bào. Khi không vận động, các tế bào gần như không phản ứng với insulin. Nếu cứ ngồi liên tục hơn 8 tiếng mỗi ngày, cơ thể sẽ bị suy giảm phản ứng với insulin và tụy sẽ phải tiết ra nhiều insulin hơn, tình trạng này kéo dài sẽ gây ra bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, thói quen ít vận động kết hợp với việc tiêu thụ thực phẩm giàu năng lượng góp phần làm tăng nguy cơ béo phì. Trong giai đoạn đầu, chức năng sản xuất insulin vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, theo thời gian, sự đề kháng insulin dần tăng lên, làm giảm hiệu quả của insulin. Để bù đắp cho tình trạng này, tuyến tụy phải làm việc quá sức, dẫn đến việc giảm khả năng sản xuất insulin. Kết quả là, cơ thể không thể duy trì mức đường huyết ổn định. Đây là một trong những lý do gián tiếp khiến việc ít vận động tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Đối với bệnh nhân tiểu đường, vận động không chỉ giúp kiểm soát đường huyết mà còn tăng cường khả năng hoạt động của insulin trong cơ thể. Điều này giúp giảm lượng đường trong máu và cải thiện khả năng sử dụng glucose, giảm nhu cầu sử dụng insulin, tăng cholesterol tốt và giảm cholesterol xấu, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ngoài ra, vận động còn cải thiện huyết áp, kiểm soát cân nặng, duy trì và tăng cường độ linh hoạt của khớp, chế ngự căng thẳng, hỗ trợ điều trị tiểu đường hiệu quả hơn và ngăn chặn các biến chứng của bệnh.
Một số bài tập hiệu quả có thể kể đến như:
Đi bộ
Đi bộ là một trong những bài tập thể dục nhẹ nhàng và lành mạnh cho người tiểu đường, đặc biệt là những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Việc đi bộ với tốc độ nhanh trong ít nhất 30 phút mỗi ngày sẽ giúp họ đạt được mục tiêu khuyến nghị là 150 phút tập thể dục cường độ vừa phải mỗi tuần, góp phần cải thiện sức khỏe và kiểm soát bệnh tiểu đường hiệu quả.
Tập yoga
Tập yoga mang lại nhiều lợi ích cho người mắc bệnh tiểu đường, giúp giảm căng thẳng và kiểm soát tình trạng bệnh tốt hơn. Căng thẳng gia tăng có thể làm tăng lượng đường trong máu, do đó, yoga là một phương pháp hiệu quả để cải thiện tinh thần và giảm các triệu chứng trầm cảm, đặc biệt ở những người mắc tiểu đường tuýp 2.
Bơi lội
Bơi lội là một bài tập thể dục lý tưởng cho người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, vì nó không gây áp lực lên các khớp. Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ cho biết tiểu đường tuýp 2 có thể dẫn đến các biến chứng ở chân và bệnh thần kinh. Người bệnh thần kinh do tiểu đường có thể mất cảm giác ở bàn chân, vì vậy, họ nên mua giày chống nước để bảo vệ chân trước khi bắt đầu bơi.
Đạp xe
Đạp xe là một bài tập tuyệt vời để đốt cháy lượng calo dư thừa. Người bệnh tiểu đường nên đạp xe vài lần mỗi tuần. Điều này giúp giảm nguy cơ béo phì và huyết áp cao, góp phần kiểm soát bệnh tiểu đường hiệu quả hơn.