Phát triển hạ tầng giao thông hàng không: Tìm giải pháp từ sân bay tư nhân Vân Đồn?

23-06-2023 11:31|Hồ Nga

Một số cảng hàng không của chúng ta đã quá tải hạ tầng, tập trung chủ yếu vào các cảng hàng không đầu mối lớn của cả nước.

Sáng nay 23/6/2023 Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm “Huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng hàng không” với sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia về hạ tầng hàng không nhằm phân tích, đánh giá, kiến giải, luận bàn về vấn đề này. TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, điều phối chương trình Tọa đàm.

Các cảng hàng không, sân bay đang quá tải

Với sự tăng trưởng kỷ lục trong những năm gần đây của ngành hàng không, công tác đầu tư phát triển hạ tầng của ngành là một yêu cầu bức thiết đặt ra, giúp giải quyết vấn đề nổi cộm hiện nay là tình trạng quá tải ở một số cảng hàng không. Đầu tư cho hạ tầng hàng không đòi hỏi một lượng vốn lớn trong khi ngân sách nhà nước còn eo hẹp, điều kiện về nguồn lực tài chính còn hạn chế.

Mở đầu buổi tọa đàm, ông Nguyễn Sĩ Dũng nêu câu hỏi với đại diện Bộ Giao thông vận tải: Xin ông nêu khái quát về thực trạng hạ tầng hàng không hiện nay, nhất là những điểm yếu, thách thức chính là gì? Phải chăng nhiều sân bay đang gặp tình trạng quá tải, không theo kịp sự phát triển của ngành hàng không?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, Bộ Giao thông vận tải cho biết ngành hàng không Việt Nam cũng như ngành hàng không trên thế giới được hình thành thông qua kết quả hạ tầng từ các cuộc chiến tranh, đều từ các sân bay quân sự chuyển sang khai thác hàng không dân dụng.

Tốc độ phát triển rất nhanh của vận tải hàng không đã gây áp lực lên kết cấu hạ tầng cảng hàng không. Giai đoạn 2011 – 2019, kết quả đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không Việt Nam đạt được công suất thiết kế cho các cảng hàng không là 95 triệu lượt hành khách/năm. Trong khi thực tế thời điểm cao nhất trước COVID-19 năm 2019, sản lượng thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đạt 116,5 triệu hành khách/năm. Như vậy là đã vượt khoảng 20 triệu lượt khách thông qua hệ thống cảng hàng không Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đang khai thác 22 cảng hàng không, trong đó có 21 cảng hàng không do doanh nghiệp nhà nước là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam quản lý và có 1 cảng hàng không chúng ta đã kêu gọi, huy động xã hội đầu tư theo hình thức PPP là Cảng hàng không Vân Đồn, Quảng Ninh.

Với lưu lượng như vậy, một số cảng hàng không của chúng ta đã quá tải hạ tầng, tập trung chủ yếu vào các cảng hàng không đầu mối lớn của cả nước, cụ thể là Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng.

Phát triển hạ tầng giao thông hàng không: Tìm giải pháp từ sân bay tư nhân Vân Đồn?

Thu hút đầu tư sân bay từ tư nhân, có khó không?

Ông Nguyễn Anh Dũng cũng cho biết giai đoạn vừa qua, nguồn vốn của chúng ta huy động vào các cảng hàng không này chủ yếu là ngân sách nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Ông Dũng cũng cho biết Cảng hàng không Vân Đồn là dự án thu hút PPP đầu tiên.

Ông Nguyễn Sĩ Dũng, điều phối chương trình tọa đàm cũng nhắc lại nhu cầu cấp thiết phải phát triển hạ tầng hàng không và kiến nghị phải có cách thức nào đó để mở rộng: Bởi vì nghẽn không chỉ là chuyện đi lại mà còn nghẽn cả nền kinh tế, không thể kết nối được, không thể phát triển du lịch được, không thể thu hút được đầu tư.

Phát biểu về vấn đề thu hút đầu tư hạ tầng giao thông, ông Phạm Ngọc Sáu, nguyên Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - sân bay tư nhân đầu tiên tại Việt Nam đã chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm, những khó khăn thách thức mà một sân bay tư nhân như Vân Đồn đang trải qua.

Quản lý tài chính: Doanh thu hoạt động không đạt mục tiêu đặt ra trong giai đoạn đầu, trong khi khoản đầu tư ban đầu và chi phí vận hành phải được bù đắp.

Đào tạo nguồn nhân lực: vì xây dựng và vận hành sân bay đòi hỏi chuyên môn, kỹ năng phù hợp với các yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế về an ninh, an toàn cũng như phục vụ hành khách.

Quản lý an ninh an toàn: Đối với hoạt động của sân bay thì vấn đề này đặc biệt quan trọng.

Tăng trưởng: Năng lực của một sân bay không chỉ là năng lực của đường cất hạ cánh, năng lực của nhà ga, mà còn năng lực của trang thiết bị, đội ngũ vận hành tại sân bay.

Quy định pháp lý: Khi vận hành một sân bay mới, chúng ta chưa có quy định pháp lý theo kịp hoạt động, cho nên nhiều quy định chưa được đề cập, điều phối trong vận hành.

Phát triển hạ tầng giao thông hàng không: Tìm giải pháp từ sân bay tư nhân Vân Đồn?

Những kinh nghiệm khi vận hành sân bay tư nhân đầu tiên

Ông Sáu chia sẻ, dù nhiều khó khăn, nhưng khi vận hành sân bay Vân Đồn, cũng có một số thuận lợi, trong đó nhấn mạnh rằng việc phát triển một sân bay gần các khu du lịch về lâu dài sẽ góp phần phát triển du lịch và thương mại địa phương.

Địa lý: Để thành công với 1 sân bay mới cũng như các hạng mục hạ tầng thì đầu tiên, các doanh nghiệp cần chiến lược đầu tư rõ ràng, nghĩa là chúng ta phải xác định việc đầu tư đó phục vụ cho phát triển sân bay, phát triển ngành hàng không, đem lại lợi ích cho hành khách, phát triển xã hội. Với tâm huyết đó, chúng ta sẽ thành công; nhà đầu tư sẽ thành công trong tương lai.

Tài chính: Phải có năng lực tài chính tốt vì khi đầu tư vào sân bay thì yêu cầu nguồn vốn lớn. Để huy động các nguồn vốn lớn, nhà đầu tư cần có chiến lược tài chính bền vững để tránh những rủi ro tài chính, cũng như tạo lợi nhuận ổn định cho phát triển lâu dài của một sân bay.

Quản lý chuyên nghiệp: Việc vận hành cần đội ngũ quản lý chuyên nghiệp để bảo đảm các yếu tố thành công của sân bay. Khả năng lãnh đạo, quản lý tài nguyên, cũng như định hướng chiến lược, quan hệ đối tác với các hãng hàng không, các cơ quan quản lý nhà nước... đòi hỏi tính chuyên nghiệp thì mới thành công được.

Tuân thủ các quy định: Bảo đảm tiêu chuẩn của ngành hàng không, không am hiểu các quy định về an toàn, các vấn đề khẩn nguy thì chắc chắn không phát triển bền vững.

Đối tác chiến lược: Cần có các đối tác chiến lược, đặc biệt là đối với một sân bay mới, mối quan hệ với các hãng hàng không hết sức quan trọng vì nếu có ít chuyến bay thì chắc chắn hành khách sẽ chọn sân bay có nhiều chuyến bay hơn.

Mối quan hệ giữa việc đầu tư một sân bay với các hãng hàng không là hết sức quan trọng. Đây là vấn đề cộng sinh để làm sao, các hãng hàng không chấp nhận rủi ro để đưa các chuyến bay tới sân bay, như vậy hành khách sẽ đi lại nhiều hơn, tạo thành hệ sinh thái để các bên thành công.

TỌA ĐÀM: Huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng hàng không

Cảng hàng không họp khẩn, đình chỉ 2 hãng taxi có tài xế gian lận cước tại sân bay Tân Sơn Nhất

Đầu tư xây mới Cảng hàng không Phan Thiết, Quảng Trị

Theo kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/phat-trien-ha-tang-giao-thong-hang-khong-tim-giai-phap-tu-san-bay-tu-nhan-van-don-189027.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Phát triển hạ tầng giao thông hàng không: Tìm giải pháp từ sân bay tư nhân Vân Đồn?
POWERED BY ONECMS & INTECH