‘Phi USD hóa’ tăng tốc: Hai thành viên BRICS dẫn đầu cơn sốt vàng toàn cầu, đẩy giá lên cao kỷ lục
Theo Ngân hàng Trung ương Pháp (BdF), mong muốn loại bỏ đồng USD của Nga và Trung Quốc đang thúc đẩy giá vàng.
Trong báo cáo mới, BdF lưu ý rằng giá vàng vẫn tăng lên mức cao kỷ lục bất chấp dòng vốn bị rút khỏi các quỹ ETF vàng trên toàn cầu và tâm lý e ngại rủi ro bao phủ thị trường tài chính trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ trong suốt hai năm qua.
Dẫn số liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), ngân hàng nhận định nhu cầu vàng hiện được dẫn đầu bởi Nga và Trung Quốc. Hai quốc gia này đều có nhu cầu "đa dạng hóa khỏi các tài sản định giá bằng USD hoặc điều kiện kinh tế vĩ mô và địa chính trị (phi USD hóa)” - yếu tố tích cực thúc đẩy giá vàng.
“Mặc dù USD vẫn là đồng tiền thống trị, nhưng tỷ trọng của đồng bạc xanh trong dự trữ của các Ngân hàng Trung ương đã giảm xuống 59%, mức thấp nhất trong 25 năm” , theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho hay.
Nhìn chung, nhu cầu vàng từ các Ngân hàng Trung ương đã tăng gấp đôi trong hai năm qua (từ ngày 30/3/2021 đến ngày 30/3/2023) so với những năm trước, điều này đã tác động lớn đến giá cả.
Ngân hàng này cho biết thêm rằng các nhà đầu tư cá nhân Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang đẩy giá vàng lên mức cao kỷ lục mới.
Kể từ năm 2024, các hộ gia đình Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng đáng kể đầu tư vào vàng không bao gồm đồ trang sức (lần lượt tăng 68% và 19% trong khoảng thời gian từ quý I/2023 đến quý I/2024, theo dữ liệu của WGC) nhằm đa dạng hóa các khoản đầu tư của họ. Cả thị trường bất động sản và chứng khoán của Trung Quốc đều suy giảm mạnh trong khi khả năng tiết kiệm của người dân Ấn Độ tăng lên.
Vàng đã tăng từ mức thấp nhất năm 2022 là 1.614 USD một ounce lên mức cao nhất mọi thời đại là 2.685 USD trong tháng này – tăng 66%.
Theo The Daily Hodl
Giá vàng thế giới lên sát 2.700 USD trước thềm Chủ tịch Fed phát biểu về lãi suất
Giá vàng liên tiếp lập đỉnh lịch sử: Nhấp nháy tín hiệu kinh tế toàn cầu sắp đón 'bão'?