‘Phiên chợ’ đấu giá đất 2023: Nơi rầm rộ chốt lô, nơi ế ẩm bỏ cọc tiền tỷ
Năm 2023 khép lại với những cuộc đấu giá đất “dở khóc, dở cười”. Có địa phương thu về ngân sách chênh vài chục tỷ đồng so với giá khởi điểm; nhưng có nơi quá “ế”, không có người tham gia đấu giá.
Các quận, huyện Hà Nội rầm rộ đấu giá, chốt lô
Năm 2023, quận Hà Đông đấu giá thành công 24 lô đất. Trong đó, 20 lô đất tại tại khu Đồng Sen, phường Vạn Phúc được tổ chức vào ngày 29/10, với số tiền trúng hơn 151,4 tỷ đồng, chênh lệch tăng so với giá khởi điểm là hơn 53,5 tỷ đồng. Còn 4 lô đất tại khu Đống Đanh - Đồng Cộc, phường Phú Lương và khu đấu giá Dược (X7) phường Dương Nội cũng đấu giá thành công vào hồi tháng 6; kết quả thu về ngân sách trên 20,6 tỷ đồng.
Hay quận Cầu Giấy cũng đấu giá thành công 13/14 lô đất trong tháng 11/2023. Tổng giá trúng đấu giá của 13 lô đất được bán chênh lệch hơn 39 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Tại Mê Linh, huyện đã tổ chức 17 phiên đấu giá với diện tích khoảng 2,1 ha tại 9 dự án. Trong tháng 12, huyện liên tục tổ chức các cuộc đấu giá đất. Cuộc đấu giá cuối cùng trong năm diễn ra vào ngày 30/12, với việc tổ chức thành công 46 thửa đất tại thôn Chu Trần, xã Tiến Thịnh. Các thửa đất đấu giá có diện tích từ 83,7-297,1 m2; giá khởi điểm từ 23,2-31,9 triệu đồng/m2.
Kết quả, giá trúng thấp nhất là 23,4 triệu đồng/m2, cao nhất lên đến 47,6 triệu đồng/m2. Tổng số tiền trúng đấu giá thu về trên 150 tỷ đồng, chênh hơn 25 tỷ so với giá khởi điểm.
Trước đó ngày 23/12, Trung tâm Phát triển Qũy đất huyện Mê Linh phối hợp Công ty Đấu giá hợp danh đấu giá Việt Nam tổ chức thành công phiên đấu giá quyền sử dụng đất đối với 4 thửa đất tại điểm X1, X2 thôn Yên Vinh, xã Thanh Lâm và Khu đồng trước xóm 4, thôn Xa Mạc, xã Liên Mạc thu về ngân sách gần 10 tỷ đồng.
Sáng 18/12, Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Mê Linh phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh số 5 - Quốc gia và Công ty Đấu giá hợp danh đấu giá Việt Nam tổ chức thành công phiên đấu giá quyền sử dụng đất đối với 10 thửa đất tại thôn Bạch Đa, xã Kim Hoa, thu ngân sách 21,6 tỷ đồng.
Đất tỉnh ế ẩm
Tại Quảng Bình, trong tháng 11, Sở Tài nguyên và Môi trường phải ra thông báo về việc giao đất không thông qua đấu giá đối với 28 thửa đất đấu giá nhưng không có người tham gia. Các lô đất tại các xã, phường của TP Đồng Hới, tổng diện tích các lô đất hơn 5.800m2, có giá hơn 60 tỷ đồng, trong đó, lô có giá thấp nhất là 1,2 tỷ đồng, với diện tích 200m2. Lô đất có giá cao nhất là 7,2 tỷ đồng, diện tích 353m2.
Theo một lãnh đạo TP Đồng Hới, sở dĩ phải giao 28 lô đất này không thông qua đấu giá vì qua 2 lần tổ chức đấu giá không có người mua. Còn trường hợp bán ngang giá vẫn không có ai mua nữa thì phải hết năm tỉnh mới tính phương án là liệu có tiếp tục giảm hay không, nhưng nếu giảm chắc là cũng không đáng kể.
Hay tại Nghệ An, trung tuần tháng 9/2023, có 55 lô đất ở TP Vinh được tổ chức công khai đấu giá lần thứ 2, nhưng không có người mua nộp hồ sơ.
Tương tự, tại Hải Dương, từ ngày 18/8-8/9, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Hải Dương mở bán hồ sơ đấu giá đất ở đối với 88 lô đất thuộc điểm quy hoạch khu dân cư tại đường Tân Dân, phường Việt Hòa, TP. Hải Dương, với mức giá khởi điểm 24 triệu đồng/m2 nhưng không một khách hàng nào đến đăng ký, mua hồ sơ đấu giá.
Đầu tháng 9/2023, UBND huyện Nam Sách cũng thông báo đấu giá lần 2 cho 34 lô đất tại xã Phú Điền, với mức giá được điều chỉnh từ 11 triệu đồng/m2 xuống còn 9,5 triệu đồng/m2, nhưng không có khách đăng ký.
Thậm chí, tại Bắc Giang, Cục Thuế tỉnh Bắc Giang tổng hợp thông tin về các cuộc đấu giá đất trong 10 tháng đầu năm 2023. Theo đó, các địa phương trong tỉnh tổ chức 92 phiên đấu giá đất với tổng số 2.969 lô.
Tuy nhiên, 90 lô đất trúng đấu giá đến hạn nộp tiền sử dụng đất nhưng khách hàng bỏ cọc, với số tiền bỏ cọc gần 10 tỷ đồng trên tổng số tiền trúng đấu giá 90 lô là hơn 88,3 tỷ đồng.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản (EZ Property), cho hay hàng năm, các tỉnh đều có nguồn thu từ đấu giá đất, nhưng năm nay nhiều tỉnh đang không đạt chỉ tiêu. Lượng khách tham gia đấu giá rất ít.
Nhiều cuộc đấu giá đất không thành công hoặc chỉ thành công một phần, theo ông Toản, lý lo bởi từ năm 2023 nhưng vẫn dựa trên mặt bằng giá chung của đợt đấu giá năm 2022.
Mức giá khi đó rất cao nên giá khởi điểm giờ không phù hợp, cao hơn mặt bằng giá chung. Cùng với đó, một phần do thị trường bất động sản trầm lắng.
Ngay tại Hà Nội, đất đấu giá tại huyện Thanh Oai lại không thu hút người tham gia khi có 7/9 phiên đấu giá đất không thành công trong năm qua.
Theo lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai, do thị trường bất động sản đóng băng, công tác đấu giá đất gặp khó khăn. Trên địa bàn huyện, có những khu đất mời tham gia đấu giá đến 4 lần nhưng không có tổ chức nào tham gia.
>> Người trúng đấu giá mảnh đất gấp 142 lần khởi điểm tại Mê Linh xin bỏ cọc vì... 'ghi nhầm'
Thừa Thiên Huế đấu giá đất “vàng” dọc sông Hương, giá khởi điểm 824 triệu đồng
Vụ đấu giá "đất vàng" Thủy Tạ: Đại gia Hà Nội chưa có đơn xin hủy kết quả