Tài chính Ngân hàng

Phó Thống đốc NHNN: GDP tăng 8% thì tín dụng tăng 16%, còn nếu GDP tăng 10% thì tín dụng sẽ tăng 18-20%

Lâm Anh 06/02/2025 - 14:08

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chia sẻ tại Họp báo Chính phủ chiều ngày 5/2.

Tại Họp báo Chính phủ chiều ngày 5/2, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã chia sẻ về những giải pháp của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ để thực hiện mục tiêu của Chính phủ đề ra là tăng trưởng GDP trên 8% năm 2025.

Để hướng tới mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025, Phó Thống đốc cho biết, quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của NHNN vẫn là đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền; hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Với quan điểm cũng như mục tiêu đó cùng với những kinh nghiệm, bài học trước đây, điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đồng bộ, hài hòa, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác, bám sát các mục tiêu đề ra...

Phó Thống đốc nêu một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế, cho các ngân hàng thương mại, qua đó đảm bảo nguồn vốn cho nền kinh tế. Trong trường hợp cần thiết, NHNN sẽ sử dụng các công cụ điều hành trong việc cung ứng vốn, tái cấp vốn hoặc các hình thức phù hợp thông qua các nghiệp vụ điều hành thị trường tiền tệ.

Năm 2023, GDP tăng trưởng gần 7% thì tăng trưởng tín dụng ở mức 14,55%. Năm 2024, GDP tăng trưởng 7,09% thì tín dụng tăng trưởng 15,08%. Trung bình hơn 2% tăng trưởng tín dụng sẽ giúp tăng trưởng 1% tăng trưởng GDP.

Năm 2025, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%. Nếu tăng trưởng kinh tế đến 10% thì tăng trưởng tín dụng phải ở mức 18-20%.

Cuối năm 2023, tổng nợ khoảng 13,4 triệu tỷ đồng, đến cuối năm 2024 là 15,5 triệu tỷ đồng. Như vậy riêng năm 2024, chúng ta tăng thêm vào nền kinh tế vốn dư nợ khoảng 2,1 triệu tỷ đồng. Tổng cả năm 2024, doanh số cho vay năm 2024 là 23 triệu tỷ đồng, doanh số thu nợ là 21 triệu tỷ đồng để có được 7,09% tăng trưởng GDP.

Về lãi suất, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất ổn định để đảm bảo phù hợp với lãi suất chung của nền kinh tế cũng như phù hợp với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác; chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay bằng cách tiết giảm chi phí, ứng dụng công nghệ số để giảm chi phí, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó, trên thị trường ngoại tệ, NHNN tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, “hóa giải” những tác động từ thị trường thế giới, duy trì thị trường ngoại tệ ổn định. Ngay từ đầu năm, mặc dù đã có tác động bất lợi đối với nền kinh tế và thị trường ngoại tệ nhưng NHNN đã chủ động điều hành. Từ giữa tháng 1 đến nay, nhìn chung thị trường trở lại trạng thái tích cực.

Ngoài ra, NHNN tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại ứng dụng công nghệ để giảm bớt chi phí, hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đối với các chính sách liên quan đến cơ cấu nợ, hoãn giãn nợ… cũng sẽ sử dụng một cách hợp lý, không lạm dụng nhưng vẫn tiếp tục có các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp khó khăn trong bão số 3 vừa qua. Cùng với đó, các chính sách tín dụng ưu đãi khác, lãi suất thấp sẽ được triển khai tích cực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

>> Đề xuất giao các địa phương ‘tăng trưởng GRDP ít nhất 8%’

Một hành động ‘rút tiền’ từ thẻ tín dụng có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự, ảnh hưởng đến lịch sử tín dụng

VIB: Lợi nhuận năm 2024 hơn 9.000 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng dẫn đầu ngành, đạt 22%

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/pho-thong-doc-nhnn-gdp-tang-8-thi-tin-dung-tang-16-con-neu-gdp-tang-10-thi-tin-dung-se-tang-18-20-274829.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Phó Thống đốc NHNN: GDP tăng 8% thì tín dụng tăng 16%, còn nếu GDP tăng 10% thì tín dụng sẽ tăng 18-20%
    POWERED BY ONECMS & INTECH