Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng: Hệ sinh thái ngân hàng mở là một khái niệm còn khá mới mẻ
Việc phát triển mô hình ngân hàng mở còn đối mặt với một số khó khăn, thách thức như an toàn bảo mật, công tác quản trị dữ liệu.
Ngày 2/10, Báo Tiền Phong đã phối hợp với CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức Hội thảo "Hà Nội - Thành phố thông minh và Hệ sinh thái ngân hàng mở". Đây là sự kiện điểm nhấn quan trọng của Ngày Thẻ Việt Nam 2024.
Tại buổi hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng chia sẻ, bức tranh về hệ sinh thái ngân hàng mở là một khái niệm còn khá mới mẻ. Dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và NHNN, các ngân hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đang dần chuyển đổi từ mô hình hoạt động truyền thống sang ngân hàng mở.
Thông tin thêm về ngân hàng mở, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) Phạm Anh Tuấn cho biết, trong xu thế ngân hàng mở, chiến lược của các ngân hàng là mở rộng, phát triển những kênh mới để phục vụ khách hàng thông qua việc kết hợp với các công ty Fintech, các bên thứ ba ở nhiều ngành nghề khác nhau.
Hiện nay, ứng dụng Mobile Banking, ví điện tử của nhiều tổ chức cho phép khách hàng tiếp cận, sử dụng đầy đủ các tiện ích, dịch vụ ngân hàng mọi lúc, mọi nơi. Có thể kể đến như dịch vụ chuyển tiền, thanh toán hoá đơn, gửi tiết kiệm, vay tín chấp, mở/ khóa/ đóng thẻ/ tài khoản, thiết lập hạn mức… Ngoài ra còn có các dịch vụ trên cổng dịch vụ công quốc gia và cả những dịch vụ ngoài ngân hàng như gọi xe/gọi đồ ăn, giao hàng, mua sắm trực tuyến, mua vé xem phim, vé máy bay, đặt phòng khách sạn/tour du lịch.
Tuy nhiên, việc phát triển mô hình ngân hàng mở còn đối mặt với một số khó khăn, thách thức như: an toàn bảo mật, công tác quản trị dữ liệu.
>> Hà Nội triển khai 102 điểm thanh toán không tiền mặt tại bãi đỗ xe thông minh, thu về 57 tỷ đồng
Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) Phạm Anh Tuấn. Ảnh: Báo Tiền Phong |
Để khắc phục những khó khăn này, ông Phạm Anh Tuấn khẳng định, NHNN luôn chú trọng vào việc bảo vệ an ninh, bảo mật và dữ liệu người tiêu dùng. Cơ quan này đã ban hành nhiều quy định, văn bản về việc mở tài khoản, mở thẻ, ví điện tử… phải được sự đồng ý của người tiêu dùng.
Tất cả các tổ chức cung ứng dịch vụ liên quan đều phải đảm bảo giao dịch được thực hiện bởi chính chủ, góp phần giúp bảo vệ thông tin dữ liệu người dùng. Bên cạnh đó, cũng có quy định về việc người tiêu dùng, chủ nhân dữ liệu mới có quyền chia sẻ dữ liệu với bên thứ 3.
Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân người dùng; đặc biệt là tuân thủ các quy định vừa có hiệu lực từ ngày 1/10/2024. Người tiêu dùng phải ý thức được việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình, không cung cấp cho các bên không đáng tin cậy để hạn chế tình trạng lừa đảo, gian lận.
>> Chính phủ quán triệt phương châm ‘6 tăng, 6 giảm, 6 tăng tốc, bứt phá’ để hỗ trợ các NHTM
Hà Nội triển khai 102 điểm thanh toán không tiền mặt tại bãi đỗ xe thông minh, thu về 57 tỷ đồng
Ngành ngân hàng triển khai phương thức thanh toán mới - Smile to Pay