PV Gas (GAS) có 4.400 tỷ đồng nợ xấu, khách hàng 'khó đòi' nhất là một ông lớn ngành điện
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, PV Gas (GAS) lãi sau thuế hơn 8.500 tỷ đồng, giảm 5,3% so với cùng kỳ.
Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV Gas, mã chứng khoán GAS) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2024 với nhiều điểm đáng chú ý, bao gồm khoản nợ xấu vượt ngưỡng 4.400 tỷ đồng.
Nợ xấu tăng mạnh lên hơn 4.400 tỷ đồng
Hoạt động kinh doanh của PV Gas có những tín hiệu tích cực, khi tổng doanh thu 9 tháng đầu năm 2024 đạt 78.600 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do chi phí và vốn tăng cao, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 8.500 tỷ đồng, giảm 5,3% so với cùng kỳ.
Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của PV Gas là giá dầu. Báo cáo cho biết, giá dầu bình quân trong quý III/2024 đạt 80,34 USD/thùng, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, sản lượng tiêu thụ khí khô giảm 1%, nhưng sản lượng LPG tiêu thụ lại tăng 22%, giúp bù đắp phần nào sụt giảm từ khí khô.
Kết quả kinh doanh của PV Gas |
>> PV GAS báo lãi 8.500 tỷ đồng trong 9 tháng, mang khoảng 1,7 tỷ USD đi gửi ngân hàng
Ngoài những điểm sáng trong hoạt động kinh doanh, PV Gas cũng phải đối mặt với thách thức lớn về nợ xấu. Đến cuối quý III/2024, tổng nợ xấu của PV Gas lên đến 4.400 tỷ đồng, gấp 3,5 lần so với đầu năm. Trong số này, Tổng công ty ước tính giá trị thu hồi chỉ đạt khoảng 52%, tương đương hơn 2.300 tỷ đồng.
Nhiều đối tác nợ PV Gas hàng trăm tỷ đồng, bao gồm Công ty TNHH Năng lượng Mê Kông (790 tỷ đồng), Công ty TNHH Điện lực BOT Phú Mỹ 3 (780 tỷ đồng), và Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ thuộc Tổng Công ty Phát điện 3 – CTCP (344 tỷ đồng). Theo đánh giá của PV Gas, các khoản nợ xấu này chỉ có khả năng thu hồi khoảng 50%.
Đáng chú ý, khách hàng có khoản nợ xấu lớn nhất của PV Gas là một "ông lớn" ngành điện dầu khí – Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, mã chứng khoán POW), với số nợ hơn 2.020 tỷ đồng. PV Gas dự báo chỉ có thể thu hồi khoảng 1.100 tỷ đồng từ khoản nợ này.
>> PV GAS đưa khí LNG ra Bắc bằng đường sắt, tạo bước ngoặt cho ngành năng lượng Việt Nam
Được ghi vào danh sách nợ xấu, nhưng PV Power lại là một trong những khách hàng lớn của PV Gas và vẫn duy trì hoạt động mua bán thường xuyên, tình hình nợ nần giữa hai bên tiếp tục gia tăng. Đến cuối quý III/2024, tổng giá trị 'phải thu khách hàng' từ PV Power tăng 74%, lên mức 4.244 tỷ đồng.
Theo báo cáo, trong 9 tháng đầu năm, PV Power đã mua hàng từ PV Gas với tổng giá trị hơn 3.700 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn là khách hàng lớn thứ hai của PV Gas.
Ngoài PV Power, các đối tượng nợ xấu khác như Công ty TNHH Năng lượng Mê Kông... cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể trong khoản phải thu khách hàng. Tổng giá trị phải thu từ khách hàng của PV Gas tính đến hết quý III/2024 đã đạt 17.100 tỷ đồng, tăng 36% so với đầu năm.
Mang 43.100 tỷ đồng đi gửi ngân hàng, thu lãi 1.100 tỷ
PV Gas nổi tiếng là một trong những doanh nghiệp có nguồn tiền lớn nhất trên sàn chứng khoán. Đến hết quý III/2024, công ty có hơn 10.400 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng tại các ngân hàng, cùng với hơn 32.700 tỷ đồng gửi kỳ hạn từ 3 đến 12 tháng.
Với tổng số tiền gửi ngân hàng lên đến 43.100 tỷ đồng, PV Gas đã thu về hơn 1.100 tỷ đồng tiền lãi trong 9 tháng đầu năm, đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của công ty trong kỳ.
>> Bất ngờ GAS trả cổ tức, số tiền dự chi ‘vượt mặt’ vốn hoá của nhiều ngân hàng
PV GAS báo lãi 8.500 tỷ đồng trong 9 tháng, mang khoảng 1,7 tỷ USD đi gửi ngân hàng
Doanh nghiệp thuộc PV GAS có thể thu về hơn 3.100 tỷ đồng nhờ dự án dầu khí 12 tỷ USD