Doanh nghiệp

PV Power (POW) lấn sân sang lĩnh vực xe điện: Mở màn tại Thủ đô, tham vọng có thêm 1.000 trạm sạc

Thảo Đan 07/09/2024 - 05:53

Theo PV Power (POW), việc phát triển trạm sạc xe điện đòi hỏi khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và công nghệ.

Trong tháng 9/2024, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power - mã chứng khoán POW) sẽ chính thức đưa vào hoạt động trạm sạc xe điện đầu tiên tại số 6 phố Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội, với chi phí đầu tư khoảng 1,8 tỷ đồng. Trạm sạc này được trang bị hai cổng sạc có công suất từ 50 đến 60kW mỗi cổng.

Sau khi trạm sạc tại Huỳnh Thúc Kháng đi vào hoạt động, PV Power dự kiến triển khai thêm hai trạm sạc thí điểm khác tại 222 đường Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội (Big C Thăng Long).

Dự án phát triển hệ thống trạm sạc xe điện của PV Power không chỉ dừng lại ở việc xây dựng các trạm sạc mà còn hướng tới mục tiêu phát triển một mạng lưới trạm sạc đồng bộ trên toàn quốc. Công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu và áp dụng các công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả và khả năng phục vụ của hệ thống trạm sạc.

Theo kế hoạch, sau 2 năm thí điểm, PV Power sẽ đánh giá hiệu quả của dự án trước khi quyết định mở rộng triển khai trên toàn quốc. Dự kiến đến năm 2035, công ty sẽ phát triển thêm 1.000 trạm sạc.

PV Power nhận định, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển thị trường xe điện, đồng thời mở ra triển vọng cho hệ thống trạm sạc điện.

Theo dự báo của Hiệp hội Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), đến năm 2028, Việt Nam sẽ đạt mốc 1 triệu xe điện, và con số này có thể tăng lên 3,5 triệu xe vào năm 2040. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khai thác thị trường, tuy nhiên, việc đầu tư vào phát triển trạm sạc điện vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức.

>> PV Power (POW) sắp ghi nhận doanh thu từ trạm sạc xe điện

PV Power hướng tới việc trở thành đơn vị cung cấp trạm sạc xe điện uy tín trong cả nước
Trạm sạc xe điện đầu tiên của PV Power tại Hà Nội

Theo PV Power, việc phát triển trạm sạc đòi hỏi khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và công nghệ. Chi phí ban đầu có thể rất cao, và việc thu hồi vốn có thể kéo dài nếu doanh thu không đạt kỳ vọng. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp phải vay đến 70% vốn đầu tư, trong khi ít có doanh nghiệp nào có sẵn tiền để đầu tư, đặc biệt là trong các lĩnh vực mới như trạm sạc, nơi mức độ rủi ro cao.

Bên cạnh đó, việc phát triển trạm sạc tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn như thủ tục phức tạp trong thỏa thuận đấu nối với EVN, việc tìm vị trí phù hợp cho trạm sạc, và các vấn đề liên quan đến công suất tải điện tại các khu vực đặt trạm.

Để phát triển hệ thống xe điện toàn diện và đồng bộ, PV Power cho rằng cần xây dựng một hệ thống trạm sạc đa năng, có khả năng hỗ trợ sạc cho nhiều dòng xe từ các thương hiệu khác nhau. Điều này đòi hỏi phải có chính sách, pháp lý tổng thể và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Ngoài ra, cần có cơ chế về giá điện dành cho trạm sạc để khuyến khích nhà đầu tư và người sử dụng xe điện.

Công ty cũng đề xuất cần có cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư, hỗ trợ vay vốn sản xuất hoặc nhập khẩu trang thiết bị, linh kiện để xây dựng hạ tầng trạm sạc, đặc biệt là các trụ sạc nhanh, cùng với các chính sách ưu đãi về thuế, giá bán điện và nguồn cung cấp điện.

Việc áp dụng giá điện kinh doanh cho trạm sạc, cùng với những cải tiến về quy chuẩn và thủ tục xây dựng trạm sạc theo hướng đơn giản hơn, chắc chắn sẽ giúp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

>> PV Power (POW) gia nhập 'cuộc chơi' trạm sạc xe điện, mức giá tương đương Vinfast, thấp hơn EverCharge, EV One

166 lô đất lên sàn đấu giá, Thừa Thiên Huế dự kiến thu về hơn 1.800 tỷ đồng

Cả nước hút hơn 20,5 tỷ USD vốn FDI: Địa phương nào dẫn đầu?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/pv-power-pow-lan-san-sang-linh-vuc-xe-dien-mo-man-tai-thu-do-tham-vong-co-them-1000-tram-sac-247946.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
PV Power (POW) lấn sân sang lĩnh vực xe điện: Mở màn tại Thủ đô, tham vọng có thêm 1.000 trạm sạc
POWERED BY ONECMS & INTECH