Vinamilk (VNM) công bố báo cáo tài chính quý IV/2023, ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 25,8% so với cùng kỳ.
Quý IV/2023, doanh thu thuần của CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (HoSE: VNM) đạt 15.618,7 tỷ đồng, tăng 3,7% so với cùng kỳ. Đặc biệt, các thị trường nước ngoài có mức tăng trưởng ấn tượng 11,7% so với cùng kỳ, đóng góp 2.534 tỷ đồng doanh thu.
Trong đó, doanh thu thuần xuất khẩu đạt 1.298 tỷ đồng trong quý IV/2023, bứt phá mạnh mẽ với mức tăng trưởng 19,3% so với cùng kỳ. Doanh thu thuần các chi nhánh nước ngoài đạt 1.236 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 4,7% so với mức nền cao của cùng kỳ.
Đối với thị trường lớn nhất – thị trường nội địa, doanh thu thuần đạt 13.085 tỷ đồng, tăng trưởng 2,2% và thị phần được duy trì ổn định so với quý III ở tất cả các ngành hàng.
Biên lợi nhuận gộp đạt 41,2% trong quý IV/2023, cải thiện so với mức 38,8% cùng kỳ năm trước.
Nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện và kiểm soát chặt chẽ các chi phí vận hành, lợi nhuận sau thuế đạt 2.351 tỷ đồng, tăng mạnh 25,8% so với cùng kỳ.
Nguồn: Vinamilk |
Tính cả năm, doanh thu của VNM đạt 60.369 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu thuần thị trường trong nước đạt 50.617 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ; doanh thu thuần thị trường nước ngoài đạt 9.751 tỷ đồng, tăng 5,4%.
Năm 2023, Driftwood (Mỹ) duy trì doanh thu tăng trưởng nhẹ và lần đầu ghi nhận lợi nhuận trên 2 triệu USD nhờ kinh doanh hiệu quả và tiết kiệm chi phí vận hành. AngkorMilk (Campuchia) đẩy mạnh chương trình kích hoạt kinh doanh và khảo sát xu hướng tiêu dùng sữa để tiếp cận người tiêu dùng. Nhờ đó, doanh thu và lợi nhuận năm 2023 của AngkorMilk ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng lần lượt là 6% và 27% so với cùng kỳ.
Cuối cùng, lợi nhuận sau thuế năm 2023 đạt 9.019 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ và hoàn thành 105% kế hoạch năm.
Kết quả kinh doanh khả quan của Vinamilk diễn ra sau khi công ty có chiến dịch giới thiệu bao bì mới cho sản phẩm sữa hồi quý III/2023 tạo ra làn sóng quan tâm lớn.
Sản phẩm của Vinamilk với nhận diện mới |
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Vinamilk đạt 52.673 tỷ đồng, tăng 8,6% so với năm 2022, chủ yếu đến từ tài sản ngắn hạn (35.936 tỷ đồng). Trong đó, khoản tăng đáng kể nhất là đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (tăng 2.723 tỷ đồng, chiếm 62,2% mức tăng trưởng).
Nợ phải trả của Vinamilk ghi nhận 17.647,6 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt 35.026 tỷ đồng, tăng lần lượt 12,6% và 6,7% so với cùng kỳ.
>> Triển vọng đầu tư cổ phiếu Vinamilk (VNM) khi thị giá đang ở mức chiết khấu