Sống

Quán cơm 'âm phủ' 37 năm bán lúc nửa đêm, khách nườm nượp ghé ăn

Hà Nguyễn - Hoàng Giám 29/08/2023 - 09:08

Chỉ mở bán từ nửa đêm đến lúc gà gáy sáng nhưng suốt 37 năm qua, quán cơm tấm “âm phủ” vẫn được người dân, nghệ sĩ, Việt kiều nườm nượp ghé ăn mỗi đêm.

LTS: TP.HCM từ 22h đến 6h sáng vẫn náo nhiệt, hoa lệ với những phố đi bộ, quán ăn đêm, quầy bar, quán nhậu… Nhưng cùng khung giờ ấy, thành phố cũng thô ráp muôn kiếp người lam lũ, chật vật trong cuộc mưu sinh.
Tuyến bài TP.HCM về đêm giới thiệu những phận đời, dịch vụ độc đáo chỉ trở mình vào đêm và tất bật, náo nhiệt lúc rạng sáng tại TP.HCM. Tuyến bài sẽ đem đến cho độc giả góc nhìn mới lạ về thành phố mang tên Bác.
23h, nhiều thực khách đến quán ăn trên vỉa hè đường Hậu Giang (Quận 6, TP.HCM) thưởng thức món cơm tấm đặc biệt.

Cơm tấm “âm phủ”

23h khuya, đường phố Quận 6 (TP.HCM) lung linh sắc màu. Những thanh âm ồn ã, náo nhiệt tạm lắng. Không gian có phần tĩnh lặng, chìm đắm trong mùi thơm đặc biệt từ quán cơm tấm chuyên bán về đêm.

Ở góc vỉa hè đường Hậu Giang (Quận 6), quán cơm tấm không biển hiệu nghi ngút khói. Mùi thơm nức mũi từ những miếng thịt nướng tỏa khắp một góc đường. Trên vỉa hè, khách ngồi chật kín các bàn nhựa được bày tạm ngoài trời.

Dưới lòng đường, dòng người nối đuôi, xếp hàng đợi đến lượt vào mua cơm. Lọt thỏm trong vòng vây của những người gọi món, ông Tô Hữu Nghĩa (62 tuổi) tất tả bới cơm, gắp thức ăn lên đĩa cho khách.

Ông tất bật đến nỗi không kịp lau mồ hôi, uống ngụm nước giải khát. Suốt 37 năm qua, quán vẫn đông khách như thế và trở thành quán cơm tấm đêm nổi tiếng bậc nhất TP.HCM.

Quán cơm tấm đêm của ông Nghĩa không có thương hiệu riêng. Thay vào đó, ông vui vẻ với tên gọi “cơm tấm âm phủ” do thực khách đặt từ những ngày đầu mở bán.

Càng về khuya, quán càng đông khách.

Ông giải thích: “Tôi bắt đầu bán cơm tấm đêm từ 37 năm trước. Ban đầu, tôi bán vào lúc 3h sáng. Sau này, tôi bán sớm hơn một chút. Bây giờ, quán bán từ 22h30 đến khoảng 3h sáng là nghỉ.

Do quán bán cơm vào giờ khuya nên người ta gọi vui là "quán cơm âm phủ". Cứ thế, người ta đồn nhau rồi gọi như vậy đến bây giờ”.

Theo ông Nghĩa, ngày trước, ông cũng định bán cơm vào ban ngày. Nhưng rồi ông nhận thấy, nếu bán cơm như bao người, ông sẽ không thể cạnh tranh.

Hơn thế, việc bán cơm vào ban đêm sẽ mát mẻ, thư giãn hơn. Cuối cùng, ông quyết định mở bán vào khung thời gian mà hầu hết các quán ăn đã đóng cửa.

Thời điểm ấy, quán cơm của ông chủ yếu phục vụ khách là công nhân đi làm ca đêm, người đi chơi khuya và tiểu thương buôn bán ở khu chợ gần đó.

Thực khách của quán cơm có đủ mọi thành phần, lứa tuổi.

Sau này, khi chợ không còn, ông vẫn duy trì khung giờ bán quán và vẫn được thực khách ủng hộ vì cơm ngon, có hương vị đặc trưng.

Tại quán cơm tấm “âm phủ”, ngoài đĩa cơm được nấu từ loại gạo tấm chất lượng cao còn có các món ăn đi kèm như: sườn nướng, bì, chả, chà bông, lạp xưởng, trứng chiên, trứng kho, da heo… Mỗi đĩa cơm ở đây có giá từ 30.000 đồng đến trên 100.000 đồng.

Các món ăn được chủ quán nêm nếm vừa vị. Đặc biệt là miếng sườn nướng được quán tẩm ướp, chế biến theo công thức riêng.

Sau khi nướng, sườn chín, thơm nhưng vẫn giữ được độ mềm. Ngoài ra, chén nước chấm của quán cũng được thực khách khen ngon, lạ miệng.

Ông Nghĩa, chủ quán cơm cho biết, cái tên cơm tấm "âm phủ" do thực khách đặt cho quán từ nhiều năm trước.

Phục vụ khách đi bar, nghệ sĩ nổi tiếng

Để kịp mở bán lúc đêm khuya, ông Nghĩa bắt đầu nhóm lửa, đốt than nướng sườn từ lúc trời sẩm tối. Những thành viên còn lại trong gia đình nhận nhiệm vụ chế biến các món ăn kèm khác.

Đúng 22h30, quán mở bán. Sau ít phút, thực khách đã ngồi chật kín xung quanh những chiếc bàn nhựa giản đơn, được đặt ngoài trời, trên một đoạn dài vỉa hè đường Hậu Giang. Càng về khuya, quán càng đông khách.

Ngoài những thực khách ăn tại chỗ, các nhân viên của quán cũng phải tất bật chuẩn bị các phần cơm cho người mua mang về.

Mở bán từ nửa đêm đến lúc gà gáy sáng, quán cơm của ông Nghĩa cũng phục vụ những thực khách đặc biệt.

Ngoài cơm tấm, các món ăn đi kèm của quán được thực khách đánh giá là ngon miệng, chất lượng.

Chị Trần Nhật Hạ (37 tuổi, con dâu ông Nghĩa), người đã phụ ông bán cơm 12 năm nay cho biết, sau khi ngôi chợ gần quán được di dời, quán chủ yếu phục vụ thực khách là những người làm trong bar, pub, dân đi chơi đêm…

Sau này, khi được nhiều người biết đến, quán phục vụ mọi thành phần thực khách. Ở khung giờ từ 23-24h, quán thường phục vụ thực khách là những gia đình nhỏ, thích ăn khuya bằng món cơm tấm “âm phủ” nổi tiếng.

Khuya hơn một chút, quán đón những lượt khách là giới trẻ, những người đi chơi khuya, người đi làm đêm được ra ca... Ngoài ra, cơm tấm âm phủ cũng là điểm ăn khuya ưa thích của giới nghệ sĩ, người nổi tiếng tại TP.HCM.

Chị Hạ kể: “Quán không có biển hiệu nhưng được nhiều nghệ sĩ và người nổi tiếng đến thưởng thức. Đặc biệt là danh hài Trấn Thành, Việt Hương, diễn viên Ngô Thanh Vân, ca sĩ Trương Quỳnh Anh…

Nói chung, mỗi khi đi show về, các nghệ sĩ thường ghé quán ăn cơm. Ngoài ra, tôi cũng đặc biệt ấn tượng với những người khách là Việt kiều. Nhiều người đi nước ngoài định cư đã hơn chục năm nhưng khi về Việt Nam vẫn đến quán ăn cơm để tìm lại hương vị quê nhà”.

Mỗi đĩa cơm tại đây có giá dao động từ 30.000 đến trên 100.000 đồng.

Gần 2h sáng, con đường Hậu Giang sầm uất vắng bóng người. Thế nhưng quán cơm tấm "âm phủ" của ông Nghĩa vẫn tấp nập.

Ngồi hướng mặt ra phía đường lớn, bà Trần My (60 tuổi) cho biết đã ăn cơm tấm âm phủ của ông Nghĩa từ 20 năm trước. Bà vừa trở lại TP.HCM sau gần 1 năm ra Nghệ An chăm con gái sinh nở. Vừa trở về nhà, bà đã đến quán cơm thưởng thức món ăn quen thuộc.

“Trước đây, khi chồng tôi còn sống, chúng tôi vẫn ra đây ăn cơm tấm của ông Nghĩa mỗi đêm. Nay chỉ còn một mình nhưng tôi vẫn giữ thói quen này. Mỗi khi ngồi ăn cơm tấm đêm ở đây, tôi như được sống lại những năm tháng trước đó của mình”, bà My tâm sự.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/quan-com-am-phu-37-nam-ban-luc-nua-dem-khach-nuom-nuop-ghe-an-2179473.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Quán cơm 'âm phủ' 37 năm bán lúc nửa đêm, khách nườm nượp ghé ăn
    POWERED BY ONECMS & INTECH