Quan hệ Mỹ - Nga sắp 'tan băng' sau cuộc họp hơn 4 tiếng ở Saudi Arabia
Các quan chức cấp cao Mỹ và Nga vừa có cuộc gặp đầu tiên tại thành phố Riyadh (Saudi Arabia) về tình hình xung đột tại Ukraine, mở ra triển vọng hợp tác rộng rãi hơn giữa hai cường quốc.
Theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ, sau hơn 4 giờ đàm phán ngày 18/2, bộ trưởng Ngoại giao của hai nước đã thống nhất thành lập các nhóm công tác cấp cao nhằm tìm kiếm giải pháp chấm dứt xung đột "một cách bền vững và được các bên chấp nhận".

Bên cạnh đó, Washington cũng đang xem xét khả năng dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt đối với Moscow, đồng thời hai bên nhất trí tăng cường nhân sự tại các đại sứ quán và giải quyết các vấn đề tồn đọng.
Động thái này cho thấy quyết tâm của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc cải thiện quan hệ song phương đã từng rạn nứt sâu sắc.
Dù mới ở giai đoạn sơ bộ, cuộc đàm phán cho thấy Mỹ đang hướng tới viễn cảnh hậu xung đột, đáp ứng mong muốn của Tổng thống Mỹ Trump trong việc cải thiện quan hệ với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Cuộc gặp này là diễn biến mới nhất sau cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo, báo hiệu Washington có thể điều chỉnh chính sách về Ukraine sau nhiều năm.
Tại tư gia Mar-a-Lago ở Florida, Tổng thống Trump bày tỏ sự lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận và không loại trừ cuộc gặp thượng đỉnh với ông Putin trong tháng này. "Nga thực sự muốn tiến triển", ông nhận định.
Tuy nhiên, diễn biến này đã gây lo ngại sâu sắc tại châu Âu, đặc biệt là quốc gia tham chiến dường như đã bị gạt ra ngoài lề cuộc đàm phán - Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, người không được mời tham dự cuộc gặp, đã hủy chuyến thăm Saudi Arabia dự kiến vào ngày 19/4. "Việc không được thông báo về cuộc họp Mỹ-Nga là điều bất ngờ. Tôi hy vọng các đối tác không hiểu lầm lập trường của chúng tôi", ông Zelenskiy phát biểu.
Theo John Herbst, Giám đốc cấp cao Trung tâm Á-Âu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, Moskva đang diễn giải những diễn biến gần đây như dấu hiệu chấm dứt sự cô lập, bất chấp cuộc chiến tranh đang diễn ra tại Ukraine.

Bà Bryn Rosenfeld, phó Giáo sư nghiên cứu chính phủ tại Đại học Cornell, nhận định cuộc đối thoại cấp cao không có sự hiện diện của Ukraine đã tạo cơ hội cho Moscow tuyên bố về sự suy yếu vị thế của Tổng thống Zelenskiy - một kết quả mà Nga từ lâu mong đợi.
Theo bà, cách tiếp cận của chính quyền Trump trong các cuộc đàm phán này đang gây tổn hại nghiêm trọng đến vị thế của giới lãnh đạo Ukraine.
Khi được hỏi về thông tin cho rằng ông muốn đưa yêu cầu của Nga về việc Ukraine tổ chức bầu cử mới vào thỏa thuận hòa bình, Tổng thống Trump không bác bỏ. Ông còn thẳng thắn nhận xét về tình hình Ukraine: "Chúng ta đang chứng kiến một đất nước bị chia cắt, dưới tình trạng thiết quân luật, với một nhà lãnh đạo chỉ được 4% ủng hộ".
Tuy nhiên, theo cuộc thăm dò gần đây nhất của Viện Xã hội học Quốc tế Kyiv, tỷ lệ tín nhiệm thực tế của ông Zelenskiy là 52%, dù đã giảm từ mức 59% hồi tháng 9/2024.
Từ phía châu Âu, định hướng mới của Washington đang làm lung lay nền tảng liên minh an ninh Mỹ - EU. Trong khi Tổng thống Trump cam kết đàm phán chấm dứt chiến tranh, ông dường như sẵn sàng nhượng bộ những yêu cầu từ điện Kremlin.
Về phía Nga, Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã bác bỏ đề xuất của Mỹ về việc ngừng tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng, khẳng định Moscow không nhắm vào mục tiêu dân sự, bất chấp thực tế các cuộc không kích đã tàn phá lưới điện Ukraine.
Sau cuộc họp, ông Lavrov bày tỏ lạc quan: "Cuộc đối thoại rất hữu ích. Chúng tôi không chỉ lắng nghe mà còn hiểu nhau. Tôi tin rằng phía Mỹ đã bắt đầu thấu hiểu hơn về lập trường của chúng tôi".
Triển vọng về việc khôi phục nhân sự tại các đại sứ quán và khả năng dỡ bỏ trừng phạt có thể làm mất đi đòn bẩy mà Mỹ đã duy trì. Trước đó, hai nước đã cắt giảm mạnh nhân sự ngoại giao trong các vòng trục xuất trả đũa liên quan đến cáo buộc gián điệp, tấn công mạng và cuộc xâm lược Ukraine.
Trước những diễn biến mới trong quan hệ Mỹ - Nga, các nhà lãnh đạo châu Âu đang khẩn trương điều chỉnh chính sách. Một gói hỗ trợ quan trọng nhằm tăng cường chi tiêu quốc phòng và viện trợ cho Kyiv đang được xây dựng, dự kiến sẽ được công bố sau cuộc bầu cử tại Đức vào ngày 23/2.
Về khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ, cả Washington và Moscow đều thể hiện thái độ thận trọng. Trợ lý chính sách đối ngoại của Điện Kremlin, ông Yuri Ushakov cho biết, mặc dù vấn đề đã được thảo luận, khả năng cuộc gặp diễn ra trong tuần tới là không cao.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce xác nhận hai bên đã nhất trí "thiết lập nền tảng hợp tác trong tương lai về các vấn đề địa chính trị cùng quan tâm" sau khi xung đột kết thúc.
Tham khảo BNN
>> Gọi thẳng cho ông Putin, gạt Ukraine ra bên lề: Ông Trump khiến châu Âu 'sốc nặng'
Ông Trump gọi ông Zelensky là ‘độc tài’, dọa không hành động nhanh sẽ mất Ukraine
Ông Zelensky phủ nhận Mỹ viện trợ 500 tỷ USD, EU duyệt gói trừng phạt Nga