Thế giới 24h

Gọi thẳng cho ông Putin, gạt Ukraine ra bên lề: Ông Trump khiến châu Âu 'sốc nặng'

Vũ Bấc 15/02/2025 - 17:54

Cuộc điện đàm Trump-Putin là dấu hiệu cho thấy không chỉ Ukraine, mà cả châu Âu có thể bị gạt ra ngoài lề cuộc đàm phán về an ninh xung đột biên giới với Nga.

Mỹ vừa có hai động thái quan trọng làm thay đổi cục diện quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong tuần qua. Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin đã mở ra lối thoát cho Nga khỏi tình trạng cô lập từ phương Tây và thế bế tắc trong cuộc chiến với Ukraine.

Hai bên được cho là đang thảo luận về giải pháp chấm dứt xung đột ở Ukraine và nhất trí trao đổi các chuyến thăm cấp cao, với cuộc gặp mặt đầu tiên được dự báo sẽ diễn ra ở Ả Rập Xê-út.

Gọi thẳng cho ông Putin, gạt Ukraine ra bên lề: Ông Trump khiến châu Âu 'sốc nặng' - ảnh 1
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth phát biểu với trong chuyến thăm trụ sở Bộ Tư lệnh Châu Âu của Mỹ và Bộ Tư lệnh Châu Phi ở Kelly Barracks ở Stuttgart, Đức, ngày 11/2/ 2025.

Trong khi đó, tại Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã kêu gọi 32 nước thành viên NATO "tự chịu trách nhiệm về an ninh châu lục". Phát biểu này cho thấy chính sách "Nước Mỹ trên hết" của chính quyền Trump, theo đó mọi liên minh đều được đánh giá dựa trên giá trị kinh tế.

Theo CNN, tuyên bố thẳng thừng của ông Hegseth báo hiệu những yêu cầu mới từ nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump đối với châu Âu.

Tổng Thư ký NATO Mark Rutte từng cảnh báo Nghị viện châu Âu tháng trước: "Hoặc tăng ngân sách quốc phòng, hoặc học tiếng Nga hay di cư đến New Zealand". Từ nay, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ phải đứng trước một thế lưỡng nan khó khăn hơn bao giờ hết, giữa ưu tiên chi tiêu xã hội và chi tiêu quốc phòng.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hegseth yêu cầu các nước thành viên NATO chi 5% GDP cho quốc phòng, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ ưu tiên đối phó với Trung Quốc và bảo vệ biên giới. Ngoại trưởng Marco Rubio cũng chỉ trích châu Âu về việc duy trì các chương trình phúc lợi xã hội trong khi dựa vào Mỹ về an ninh.

Theo chuyên gia Nicholas Dungan, chiến lược của Tổng thống Trump không nhắm đến an ninh châu Âu mà là chấm dứt vai trò tài trợ của Mỹ. Ukraine sẽ là thử nghiệm đầu tiên cho chiến lược này.

Ukraine bị gạt ra bên lề

Ngay sau cuộc điện đàm với Tổng thống Putin, ông Trump tuyên bố các cuộc đàm phán về Ukraine sẽ được khởi động 'ngay lập tức'. Động thái này đánh dấu bước ngoặt quan trọng với Moscow, vốn bị phương Tây cô lập từ khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine cách đây 3 năm.

Gọi thẳng cho ông Putin, gạt Ukraine ra bên lề: Ông Trump khiến châu Âu 'sốc nặng' - ảnh 2
Ông Trump (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gặp nhau tại New York trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024

Đáng chú ý, Tổng thống Zelensky không được đưa vào vòng đàm phán ban đầu, khiến giới lãnh đạo Kiev bày tỏ sự bất an. Dù có cuộc điện đàm với ông Zelensky vào cuối ngày, phản ứng của ông Trump về vai trò của Ukraine trong đàm phán hòa bình còn mập mờ.

Khi được hỏi liệu Ukraine có phải đối tác bình đẳng trong tiến trình này, ông Trump chỉ đáp: "Đó là câu hỏi thú vị" và nhận định "đây không phải cuộc chiến đáng tham gia" - dường như đồng tình với quan điểm của Moscow.

Bộ trưởng Quốc phòng Hegseth cũng đưa ra các điều kiện cứng rắn: Ukraine không thể lấy lại biên giới trước năm 2014, không được gia nhập NATO và quân đội Mỹ sẽ không tham gia bất kỳ lực lượng gìn giữ hòa bình nào. Các lực lượng này sẽ không được bảo vệ bởi Điều 5 của NATO, nghĩa là Mỹ không can thiệp nếu xảy ra đụng độ với Nga.

Dù cựu Tổng thống Biden cũng thận trọng về việc Ukraine gia nhập NATO do lo ngại xung đột hạt nhân, nhưng các điều kiện mới từ phía Trump được xem là thắng lợi lớn nhất của Putin kể từ khi xung đột bùng nổ.

Khi Ukraine đang phải đối mặt với hiện thực tàn khốc, nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc biện minh rằng đây là cách ‘tiếp cận thực tế’, khi không ai tin Ukraine có thể lấy lại lãnh thổ đã mất dù được viện trợ hàng tỷ USD.

Tuy nhiên, việc loại bỏ các vấn đề then chốt khỏi bàn đàm phán đã tước đi của Ukraine những quân bài mặc cả quan trọng. Thái độ này phản ánh tư duy địa chính trị mới của Washington, theo đó các cường quốc được quyền mở rộng phạm vi ảnh hưởng khu vực. Nhiều chuyên gia cảnh báo, một thỏa thuận thiên về lợi ích của Nga có thể tạo tiền lệ nguy hiểm cho trật tự quốc tế.

Lời mời từ Moscow

Điện Kremlin đánh giá cao cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ, đồng thời bày tỏ mong muốn đón tiếp Tổng thống Trump tại Moscow trong thời gian tới.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 13/2, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc đối thoại Putin-Trump. "Chúng tôi đánh giá cao lập trường của chính quyền [Mỹ] hiện tại. Cuộc đối thoại diễn ra trong không khí cởi mở", ông Peskov cho biết.

Đặc biệt, Tổng thống Putin đã gửi lời mời Tổng thống Trump tham dự lễ kỷ niệm 80 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại tại Moscow.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev đánh giá cao sự kiện này: "Cuộc đối thoại giữa lãnh đạo hai nước đã được khôi phục. Đây là một bước tiến quan trọng".

Trong khi đó, Nghị sĩ cấp cao Alexei Pushkov khẳng định cuộc điện đàm sẽ là một dấu mốc đáng nhớ trong lịch sử ngoại giao thế giới.

Cuộc điện đàm Trump-Putin và kế hoạch hội nghị thượng đỉnh sắp tới tại Ả Rập Xê-út được xem như dấu hiệu cho thấy không chỉ Ukraine, mà cả châu Âu có thể bị gạt ra ngoài lề đàm phán.

Phản ứng với diễn biến này, các nước châu Âu bao gồm Pháp, Đức, Ba Lan, Ý, Tây Ban Nha cùng các thể chế EU và Vương quốc Anh đã đưa ra tuyên bố chung, nhấn mạnh sự tham gia của Ukraine và châu Âu là không thể thiếu trong mọi tiến trình đàm phán. Họ cảnh báo "hòa bình công bằng và bền vững tại Ukraine là điều kiện tiên quyết cho an ninh xuyên Đại Tây Dương".

Cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt bày tỏ quan ngại sâu sắc về cuộc đối thoại thân mật giữa hai nhà lãnh đạo. Trong cuộc phỏng vấn với CNN International, ông so sánh tình hình hiện tại với Hiệp định Munich năm 1938, khi Anh nhượng bộ Hitler về vùng Sudetenland. "Với người châu Âu, đây là kịch bản quen thuộc - hai nhà lãnh đạo lớn muốn đạt 'hòa bình trong thời đại chúng ta' bằng cách quyết định số phận một quốc gia xa lạ. Chúng ta đều biết kết cục của câu chuyện đó", ông Bildt nhận định.

Dù chiến lược của ông Trump vẫn chưa rõ ràng, các chuyên gia cho rằng một thỏa thuận khả thi có thể theo mô hình chia cắt Đức sau Thế chiến II. Theo đó, các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát sẽ bị "đóng băng", trong khi phần còn lại của Ukraine duy trì chế độ dân chủ và có thể gia nhập EU, nhưng không có sự bảo đảm an ninh từ Mỹ.

Tham khảo CNN

>> Ông Trump sắp gặp ông Putin, khẳng định sẽ bắt đầu đàm phán về cuộc chiến ở Ukraine 'ngay lập tức'

Lý do ông Trump điện đàm với ông Putin lâu hơn so với Tổng thống Ukraine

Phó Tổng thống Mỹ tố WSJ bóp méo câu trả lời về ‘khả năng điều quân tới Ukraine’

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/goi-thang-cho-ong-putin-gat-ukraine-ra-ben-le-ong-trump-khien-chau-au-soc-nang-136848.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Gọi thẳng cho ông Putin, gạt Ukraine ra bên lề: Ông Trump khiến châu Âu 'sốc nặng'
    POWERED BY ONECMS & INTECH