Bất động sản

Quản lý sổ đỏ bằng mã QR có nên hay không?

Doãn Thành 07/05/2024 - 11:54

Kinhtedothi- Mặc dù hành vi làm giả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) - sổ đỏ, theo khung hình sự có thể bị phạt tù tối đa từ 20 năm đến chung thân, nhưng thời gian qua hành vi làm giả GCN vẫn diễn ra vô cùng phức tạp và khó kiểm soát.

Đây cũng chính là lý do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa đề xuất in mã QR vào GCN, giúp tra cứu thông tin dễ dàng hơn.

Vấn nạn làm giả GCN

Thời gian gần đây, trước tình trạng thị trường nhà đất liên tục tăng giá và trải qua nhiều đợt “sốt giá”, không ít đối tượng đã lợi dụng làm giả GCN để thực hiện hành vi lừa đảo thông qua các giao dịch mua bán hoặc cầm cố để vay tiền.

Đáng quan ngại là tình trạng này không xảy ra cục bộ ở một số địa bàn, khu vực mà còn tràn lan trên phạm vi cả nước, phía Cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã khởi tố hình sự, bắt giam nhiều đối tượng liên quan.

Người dân làm thủ tục nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại UBND huyện Sóc Sơn. Ảnh: Phạm Hùng
Người dân làm thủ tục nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại UBND huyện Sóc Sơn. Ảnh: Phạm Hùng

Có thể kể đến một số trường hợp như: vào tháng 5/2022, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 11 bị cáo trong vụ án làm giả giấy tờ nhà đất, để lừa bán, chiếm đoạt tài sản của các bị hại và một số ngân hàng với hơn 22 tỷ đồng.

Kế tiếp vào khoảng đầu tháng 9/2023, Công an TP Đà Nẵng tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Vinh Sơn (trú tại phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đối tượng đã lừa một số người dân sinh sống ở địa bàn chuyển tiền để làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng và làm GCN, sau khi cầm gần 3 tỷ đồng của 5 gia đình, đối tượng này đã liên hệ làm giả GCN giao cho người dân để lấy tiền.

Tương tự, giữa tháng 10/2023, Công an tỉnh Nghệ An khởi tố, bắt tạm giam Lê Thanh Hưng (trú tại xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu) đã lừa đảo 6 gia đình, chiếm đoạt hơn 2,7 tỷ đồng.

Mới đây, Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xét xử, tuyên án 16 năm tù giam, buộc phải bồi thường cho các bị hại 2,5 tỷ đồng và 4.500 USD đối với Nguyễn Thị Xuân Vui (trú tại ấp Chu Hải, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ) về tội sử dụng GCN và hồ sơ đất đai giả để cầm cố vay tiền người dân với cam kết lãi suất cao, sau đó chiếm đoạt tài sản.

Đáng lo ngại, tình trạng làm GCN giả để chiếm đoạt tài sản còn xảy ra ngay tại cơ quan Nhà nước.

Ví như trường hợp đối tượng Trịnh Thị Kim Nhung (sinh 1976, trú tại tổ 8, phường Tân Phong, TP Lai Châu), công tác tại Văn phòng Đăng ký đất đai trực thuộc Sở TN&MT tỉnh Lai Châu, đã lợi dụng vị trí công tác để làm giả GCN đối với nhiều lô đất của người dân đang sử dụng ổn định, không có nhu cầu chuyển nhượng, lừa bán với giá trị thấp hơn giá thị trường, chiếm đoạt được số tiền trên 3,2 tỷ đồng.

Đầu tháng 11/2023, Nhung đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Lai Châu thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và bắt tạm giam chờ ngày xét xử.

Trên đây, chỉ là một số vụ án đã được đưa ra ánh sáng, còn sự thật về “tảng băng chìm” của vấn nạn làm giả GCN này như thế nào và gây ra thiệt hại bao nhiêu cho người dân thì chưa thể thống kê được hết.

Theo TS Lê Quang Toàn – Phó Trưởng khoa Cảnh sát điều tra (Học viện Cảnh sát Nhân dân), thời gian gần đây Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố nhiều vụ án làm giấy tờ giả, trong đó có GCN. Đáng quan ngại, hành vi làm giả diễn ra vô cùng tinh vi, nhiều trường hợp nếu cơ quan điều tra không có phương tiện kỹ thuật chuyên môn hiện đại thì không thể phát hiện ra được.

“Điều này, xuất phát từ việc bất động sản là kênh đầu tư tương đối hiệu quả, nên nhiều người muốn tham gia để kiếm lời nhanh, các đối tượng phạm tội đã dựa vào đó để làm giả giấy tờ, lợi dụng sự cả tin của người dân hòng chiếm đoạt tài sản. Trong khi đó, với trình độ khoa học kỹ thuật hiện nay, việc làm giả giấy tờ không mấy khó khăn và không ít người dân do thiếu kiến thức trong việc kiểm tra, xác minh giấy tờ nên dễ dàng bị lừa đảo” - TS Lê Quang Toàn nhìn nhận.

Giải pháp từ tích hợp mã QR

Trước vấn nạn về việc làm giả GCN thời gian qua, tại dự thảo Thông tư quy định về GCN, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính, đang được Bộ TN&MT tổ chức lấy ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương, tổ chức xã hội và đông đảo quần chúng Nhân dân, đã đề xuất in mã QR vào GCN.

Bộ TN&MT cho rằng, hiện nay việc sử dụng mã QR đã trở nên phổ biến trong xã hội và đang được các cơ quan quản lý Nhà nước ứng dụng vào các giấy tờ cá nhân và thủ tục hành chính; đồng thời đây cũng là một trong những nội dung quan trọng nằm trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, giúp nâng cao tính bảo mật an toàn thông tin và người dân cũng dễ dàng hơn trong việc tra cứu thông tin, phản hồi chống hàng giả.

Vì mã QR có tính năng vượt trội hơn so với mã vạch truyền thống khi có thể tối đa 7.089 ký tự số và 4.296 ký tự chữ số, cho phép lưu trữ lượng thông tin lớn hơn nhiều lần so với 20 – 25 ký tự/1 mã vạch truyền thống. Bên cạnh đó, nội dung GCN cũng có sự thay đổi, được gói gọn hơn so với trước đây.

Theo kỹ sư Bùi Thị Trang – Giảng viên Trường Cao đẳng Công nghệ Anh quốc BTEC FPT, ưu điểm lớn nhất của quản lý bằng mã QR là người dùng có thể thu thập được nhiều thông tin với chỉ 1 lần quét đơn giản, đặc biệt những thông tin tích hợp trong mã QR đều được mã hóa hoàn toàn qua đó tạo ra hệ thống quản lý an toàn hơn, khi mã QR được tích hợp đến cấp độ 3 thì sẽ tự phát hiện ra lỗi, do đó sẽ giúp người tra cứu thông tin có thể phát hiện ra những lỗi nhỏ nhất.

“Về bản chất, khi sử dụng mã QR sẽ không thể tải về những mã độc, trong trường hợp người dùng quét vào mã QR giả thì nó sẽ chuyển đến những đường link giả, nên có thể nhanh chóng phát hiện lỗi của giấy tờ, sản phẩm đang cần tìm kiếm thông tin. Vì vậy, có thể khẳng định bên cạnh tiện lợi về việc dễ dàng kiểm tra thông tin, giảm thời gian tra cứu, thì sử dụng mã QR còn đảm bảo sự an toàn khi thông tin được mã hóa vào chiếc tem QR Code, đây chính là sự khác biệt lớn nhất giữa mã QR với mã vạch truyền thống” – kỹ sư Bùi Thị Trang cho hay.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp cho rằng, trước xu thế của thời đại khoa học công nghệ trong kỷ nguyên cách mạng 4.0, việc sử dụng mã QR được Bộ TN&MT đề xuất đưa vào GCN để phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý đất đai là phù hợp với xu thế chung về hội nhập quốc tế. Nó không chỉ giúp người dân, tổ chức, DN thuận tiện hơn trong việc tra cứu, mà còn đảm bảo tính minh bạch của thông tin.

“Tuy nhiên, nếu đã quyết tâm triển khai thì phải làm một cách đồng bộ mới mang lại hiệu quả. Nghĩa là khi thực hiện mã hóa thông tin đất đai của cá nhân, tổ chức vào mã QR, cũng phải xây dựng được hệ thống dữ liệu thông tin về đất đai một cách chi tiết cho từng vị trí, khu vực, địa phương vào hệ thống dữ liệu quốc gia. Khi 2 hệ thống này được tích hợp với nhau, sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối về thông tin cũng như tính minh bạch, để người dân có thể tránh được những chiêu trò lừa đảo” – ông Nguyễn Thế Điệp phân tích.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân khi muốn thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến GCN nên trực tiếp đến cơ quan chuyên môn của Nhà nước (các Văn phòng Đăng ký đất đai) để được hướng dẫn thực hiện và kiểm tra, xác minh thông tin về sản phẩm. Bởi chỉ có cơ quan chuyên môn mới có những thông tin chính xác nhất về tính hợp pháp và hiện trạng sử dụng của thửa đất đó. Ngược lại, nếu không kiểm tra kỹ người mua rất dễ “sập bẫy” lừa đảo.

Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, việc làm những mẫu giấy tờ giả là không khó, cũng dựa vào tính ưu việt của công nghệ những đối tượng phạm tội đã thực hiện hành vi một cách tinh vi hơn. Trong khi đó chúng ta đều biết, GCN là một loại giấy tờ đặc thù, có quy cách cùng những thông tin phức tạp, nên ngay cả cơ quan chuyên môn cũng khó có thể phát hiện chứ không nói đến người dân. Vậy nên có một công cụ để đảm bảo tính an toàn, minh bạch về thông tin và việc sử dụng mã QR được xem là một giải pháp tích cực.
Luật sư Trịnh Hữu Đức – Hội Luật gia Việt Nam

>> Giá biệt thự, nhà liền kề tại ‘phố cảng’ Hải Phòng bất ngờ chạm mốc hơn 120 triệu đồng/m2

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, sổ đỏ và sổ hồng sẽ có 'giao diện' mới?

13 trường hợp người sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất không được cấp sổ đỏ từ tháng 1/2025

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/quan-ly-so-do-bang-ma-qr-co-nen-hay-khong.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Quản lý sổ đỏ bằng mã QR có nên hay không?
    POWERED BY ONECMS & INTECH