Sau tuần giao dịch từ 11 - 15/7/2022, việc thanh khoản tăng kết hợp với diễn biến tăng điểm nhẹ của chỉ số VN-Index cho thấy bên mua đang dần tự tin hơn trên thị trường.
Giới phân tích đang khá kỳ vọng về việc thị trường sẽ tiếp tục hồi phục trong tuần 18 - 22/7 tới để hướng đến ngưỡng tâm lý 1.200 điểm.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Công ty Chứng khoán Yuanta đánh giá, thị trường tuần qua chứng kiến sức hút quay trở lại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Về cơ bản, chưa có đại diện của nhóm vốn hoá lớn thực sự có khả năng dẫn dắt thị trường khiến dòng tiền tạm thời loay hoay tại những cổ phiếu midcaps và penny như vậy. Nhiều khả năng trong tuần tới, dòng tiền sẽ tiếp tục duy trì xu hướng như vậy.
Điểm sáng đến từ cuối tuần vừa qua khi thị trường chứng khoán Mỹ có khởi sắc, cộng thêm con số lạm phát Việt Nam công bố tích cực giúp tâm lý nhà đầu tư tiếp tục được giải toả.
Theo đó, ông Minh xây dựng 2 kịch bản cho tuần 18 - 22/7 với các biến số có thể xuất hiện tại mốc 1.204. Nếu chỉ số VN-Index có thể vượt qua ngưỡng 1.204 điểm, xu hướng ngắn hạn sẽ tích cực hơn trong khi nếu không thể, khả năng cao thị trường vẫn tiếp tục duy trì nhịp đi ngang tương tự như diễn biến hiện tại.
Về câu chuyện lạm phát tháng 6 của Mỹ tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái - mức cao nhất của lạm phát ở Mỹ trong hơn 40 năm qua, ông Minh cho rằng việc giá hàng hóa đã bắt đầu tạo đỉnh từ đầu tháng 6 là dấu hiệu cho thấy khả năng cao lạm phát cũng sẽ tạo đỉnh và sau đó sẽ hạ nhiệt trong tháng 7. Đây là tín hiệu tích cực cho thị trường và giới đầu tư.
Ngoài ra, theo thống kê trong lịch sử, động thái tăng lãi suất của FED sẽ có tác động mạnh trong đợt tăng đầu tiên và những lần tăng sau đó sẽ ít ảnh hưởng đến thị trường hơn.
Liên quan đến lo ngại về suy thoái kinh tế, khả năng cao sẽ xảy ra, ông Minh cho rằng lạm phát sẽ hạ nhiệt vào cuối năm và nền kinh tế tăng trưởng trở lại trong năm 2023. Do đó, mối lo ngại về suy thoái sẽ được triệt tiêu dần trong thời gian tới.
Về cơ hội đầu tư tuần tiếp theo, ông Minh cho rằng dòng tiền có thể tập trung ở những nhóm có tính phòng thủ, ít chịu tác động của chu kỳ kinh tế như cổ phiếu nhóm sản xuất thực phẩm thiết yếu, nhóm bán lẻ chuyên về thực phẩm và điện nước. Bên cạnh đó, khả năng cao dòng ngân hàng có thể quay trở lại thành trụ đỡ cho thị trường trong 6 tháng cuối năm với câu chuyện về kỳ vọng nới room tín dụng.
Dù vậy, “Tăng room tín dụng là việc không dễ dàng. Tăng nóng thì kiểm soát lạm phát khó, thắt tín dụng thì khó cho tăng trưởng kinh tế. Do đó, mức độ tăng trưởng tín dụng phải giải quyết thỏa đáng giữa các mục tiêu này. Trong bối cảnh rủi ro lạm phát hiện hữu, công tác điều hành chính sách tiền tệ nói chung, chính sách tín dụng nói riêng đòi hỏi phải tính toán rất nhiều”, ông Đào Minh Tú - phó Thống Đốc Ngân hàng Nhà Nước nói.