Quảng Nam lên kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, sớm bàn giao mặt bằng... nhằm triển khai thực hiện dự án đảm bảo tiến độ.
Ngày 09/6, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho hay ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký văn bản yêu cầu các sở ngành và địa phương thực hiện nghiêm, có hiệu quả theo chỉ đạo của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các Sở, Ban, ngành liên quan huy động các tổ chức, chuyên gia để định giá đất theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật.
Đối với các trường hợp khó khăn, vướng mắc, kịp thời có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn, giải quyết. Tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để thực hiện việc giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư, đảm bảo sớm đưa đất vào sử dụng, phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội.
“Việc xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tuân thủ đúng quy định của pháp luật, không gây thất thoát ngân sách nhà nước”, văn bản do ông Lê Trí Thanh ký nhấn mạnh.
Giai đoạn hiện tại, tỉnh Quảng Nam giao Sở Xây dựng, Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp, các địa phương và các Sở, ngành liên quan tập trung rà soát, lập, thẩm định, trình phê duyệt các hồ sơ quy hoạch, đối với các quy hoạch đến nay đã quá thời hạn thì thực hiện theo Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, hoàn thành trước ngày 15/6/2023.
Ngoài ra, các đơn vị liên quan cũng tập trung rà soát các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết nhưng chưa cập nhật, bổ sung vào quy hoạch phân khu, quy hoạch chung, quy hoạch tỉnh (nếu có) thì thực hiện thủ tục điều chỉnh các quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của các cấp độ quy hoạch, không hợp thức hóa các sai phạm dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.
Đặc biệt, Quảng Nam cũng sẽ công bố, công khai danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ để các ngân hàng thương mại có cơ sở áp dụng cho vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Để thực hiện kế hoạch gỡ vướng, Quảng Nam sẽ rà soát, thống kê số lượng các dự án bất động sản đang triển khai trên địa bàn, phân loại các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc. Trong đó, đầu mối là Sở Kế hoạch & Đầu tư cùng các đơn vị liên quan chủ động làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, từng dự án có vướng mắc hoặc triển khai chậm để xác định rõ các nguyên nhân, kịp thời tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền hoặc tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam cũng giao các địa phương triển khai thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án đảm bảo tiến độ. Tại các dự án gặp vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư khiến kéo dài tiến độ, các địa phương rà soát, đánh giá để điều chỉnh quy hoạch chi tiết, điều chỉnh nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư theo đúng quy định và tình hình thực tế.
Trước đó, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam cũng đã có báo cáo tổng hợp khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp đến Tổ công tác đặc biệt của tỉnh Quảng Nam. Theo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam, hiện nay cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn đang gặp vô số khó khăn chưa thể giải quyết, trong đó có 2 nhóm doanh nghiệp cần được sớm hỗ trợ là xây dựng và bất động sản.
Đối với doanh nghiệp xây dựng, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam cho hay trong giai đoạn tình hình dịch bệnh COVID -19 giãn cách xã hội kéo dài, sản xuất kinh doanh ngừng hoạt động, một số chính sách hỗ trợ vay vốn ngân hàng, giảm thuế, giảm thời gian nộp thuế chưa được thực hiện. Cùng với đó, một số công trình, dự án xây lắp thì giá sắt thép tăng đột biến 20-30%, giá nhiên liệu tăng dẫn đến cước phí vận chuyển tăng so với giá dự toán, một số công trình dự án hợp đồng theo giá cố định không được nhà nước điều chỉnh giá và bị lỗ nặng.
“Giá nhân công theo định mức xây dựng quá thấp so với thực tế, các mỏ vật liệu đất, đá, cát để phục vụ thi công bị khan hiếm, nguồn cung không đáp ứng cầu do đó doanh nghiệp phải mua giá cao để đáp ứng tiến độ dự án”, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam cho hay.
Đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản, hiện nay đang gặp phải vô vàn khó khăn, xuất phát từ ý chí của các hộ dân, một phần cũng là từ các chính sách của nhà nước. Cụ thể, nguyên nhân đến từ việc các hộ dân ảnh hưởng đất nông nghiệp nhưng yêu cầu bố trí đất tái định cư, dù đã tổ chức họp vận động, đối thoại nhiều lần nhưng vẫn chưa đồng ý nhận tiền, bàn giao mặt bằng.
Theo tổng hợp của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam, việc tiến độ dự án bị chậm trễ còn xuất phát từ nguyên nhân các trường hợp tranh chấp đất đai rất khó giải quyết, các hộ dân không đồng ý hoà giải nên thủ tục thu hồi đất cũng gặp nhiều khó khăn. Quy trình, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất kéo dài gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Nhiều trường hợp đã có quyết định cưỡng chế thu hồi đất cách đây một năm nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa triển khai thực hiện cưỡng chế,...
“Ngoài ra, nhiều hộ dân không đồng ý phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (phương án dự kiến) được công khai, không đồng ý bốc thăm lô tái định cư, dẫn đến không thể trình thẩm định phương án theo quy định. Đơn giá bồi thường cho các hộ dân theo quy định hiện nay là quá thấp, dẫn đến việc không nhận được sự đồng thuận của các hộ dân bị vướng GPMB tại các dự án, các hộ dân không đồng ý theo phương án được duyệt, không nhận tiền bồi thường và đòi hỏi với mức giá cao gấp 5-7 lần so với giá quy định,...”, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam thông tin.
Bộ Tài nguyên hủy thanh tra 9 dự án bất động sản
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu giải pháp căn cơ ngăn trục lợi khi đấu giá đất