Đề xuất ngân hàng được thuê tổ chức độc lập hoặc tự thẩm định các dự án xanh
Đề xuất này được đánh giá là phù hợp với cách làm của châu Âu, Singapore, Ngân hàng Thế giới (World Bank), Tổ chức tài chính quốc tế (IFC).
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ số 20/TTr-BTNMT ngày 19/2/2025 về tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh (bản phục vụ thẩm định).
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất các tổ chức tín dụng được chọn tổ chức độc lập hoặc tự thực hiện việc xác nhận dự án thuộc danh mục phân loại xanh.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đề xuất để ngân hàng thuê ngoài hoặc tự thẩm định dự án vay xanh là phù hợp với cách làm của châu Âu, Singapore, Ngân hàng Thế giới (World Bank), Tổ chức tài chính quốc tế (IFC).
Phương án này cũng khả thi do việc xác nhận dự án có thể lồng ghép trong quy trình cấp ưu đãi, hỗ trợ tín dụng, trái phiếu xanh mà không phát sinh thủ tục. Đề xuất này cũng tạo điều kiện cho các tổ chức đủ năng lực tham gia vào hoạt động tư vấn, thẩm định dự án đầu tư xanh.
Cũng theo tờ trình của Bộ Tài nguyên và Môi trường, danh mục phân loại xanh bao gồm 47 loại hình dự án, chia theo 7 lĩnh vực như: Năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên nước, nông - lâm - thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học, công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ môi trường.
![]() |
Đề xuất ngân hàng được thuê tổ chức độc lập hoặc tự thẩm định các dự án xanh. Ảnh minh họa |
Dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 11/2024, tổng dư nợ tín dụng xanh của Việt Nam đạt khoảng 650.000 tỷ đồng, chiếm 4,3% tổng dư nợ nền kinh tế. Con số này vẫn ở mức thấp do chưa có hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan quản lý về danh mục phân loại xanh.
Hiện nay, nhiều ngân hàng đã chủ động xây dựng tiêu chuẩn riêng để cấp tín dụng xanh. Trong đó, ACB đã giới thiệu khung tài chính bền vững từ tháng 9/2024; BIDV công bố danh mục các dự án xanh với ưu đãi về lãi suất và tỷ giá, đồng thời giảm dần tài trợ cho các ngành có phát thải carbon cao như sắt thép, xi măng, phân bón...
Dự án muốn tiếp cận tín dụng xanh phải có tên trong danh mục phân loại do cơ quan quản lý phê duyệt. Danh mục này được giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và dự kiến ban hành vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, đến nay, bộ tiêu chí này vẫn chưa được ban hành.
Một trong những vướng mắc lớn nhất là xác định đơn vị chịu trách nhiệm xác nhận phân loại xanh. Trước đây, ba phương án đã được đề xuất, gồm giao cho tổ chức độc lập, cơ quan quản lý Nhà nước hoặc để tổ chức tín dụng tự thẩm định dự án.
>> Đề xuất đánh thuế lãi tiền tiết kiệm: Bộ Tài chính nói gì?
Đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân tại trung tâm tài chính: Bộ Tài chính nói gì?
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng: Việt Nam cần huy động hơn 160 tỷ USD