Nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), từng bước thúc đẩy việc đọc sách theo hướng hiện đại, góp phần nâng cao dân trí, văn hóa đọc, thời gian qua, Thư viện tỉnh đã có nhiều giải pháp hiệu quả trong công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số để đổi mới phương thức hoạt động theo hướng hiện đại.
Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, Thư viện tỉnh là công trình có quy mô hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế, diện tích sử dụng 9.000m2 được thiết kế với dây chuyền công năng hợp lý, gồm hội trường, các phòng đọc, tra cứu tài liệu, triển lãm sách báo và phòng hội thảo…
Trên cơ sở hệ thống trang thiết bị được đầu tư hiện đại và tương đối đồng bộ, những năm qua, Thư viện tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác bổ sung, biên mục tài liệu, in fis, in nhãn sách, thư mục qua phần mềm ILIB. Theo thống kê, Thư viện tỉnh có tổng số gần 250.000 bản sách, 150.000 trang tài liệu địa chí số hóa, 200 loại báo, tạp chí, thuê quyền truy cập 1,5 triệu tài liệu điện tử.
Cùng với đó, Thư viện tỉnh mở rộng kết nối và hợp tác chia sẻ nguồn lực thông tin với các đơn vị cùng dạng, đặc biệt là liên kết với tailieu.vn - website chia sẻ tài liệu lớn nhất Việt Nam đồng thời, liên kết với cơ sở dữ liệu thư viện số của thư viện các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc; tăng cường khả năng khai thác của thư viện số bằng cách quảng bá nguồn tài nguyên số đến các trường học, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh về chuyển đổi số nhằm tối ưu hóa hoạt động, xây dựng phát triển Thư viện tỉnh theo mô hình thư viện hiện đại gắn liền với chính quyền điện tử tỉnh, đơn vị đã xây dựng Kế hoạch 265/KH-TV tháng 12/2021 về chuyển đổi số Thư viện tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tạo cơ sở, định hướng trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số cụ thể đảm bảo lộ trình đề ra.
Theo đó, kế hoạch xác định mục tiêu chung là: Hiện đại hóa Thư viện tỉnh, khai thác và phục vụ có hiệu quả thư viện số, phát triển nguồn lực thông tin số hoá, xây dựng hệ thống mượn trả tài liệu tự động 24/7, tăng cường chia sẻ vốn tài liệu trên nền hạ tầng mạng lưới CNTT của tỉnh, đa dạng hóa các hình thức phục vụ bạn đọc, chú trọng phục vụ trực tuyến.
Bám sát mục tiêu đó, Thư viện tỉnh đang tập trung rà soát, từng bước triển khai các nhiệm vụ gồm: Đầu tư nâng cấp hạ tầng CNTT; xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại, bảo đảm triển khai, vận hành thư viện số và tự động hóa thư viện.
Cùng với đó, đơn vị cũng đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thành tựu KHCN tiên tiến, hiện đại phù hợp xu thế phát triển chung của ngành; kết nối, liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu với các thư viện trong và ngoài tỉnh; cung cấp dịch vụ trực tuyến, dịch vụ trên thiết bị di động thông minh; tăng cường tự động hóa, cải tiến quy trình, nghiệp vụ thư viện; tập trung vào khâu tự động hóa các thủ tục hành chính, quy trình cấp thẻ thư viện và quản lý bạn đọc thông qua phần mềm thư viện điện tử tích hợp ILIB; đầu tư thiết bị kiểm kê tự động, bảo quản, sắp xếp kho tài liệu trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại; xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển thư viện số.
Thêm nữa, chú trọng phát triển tài liệu số qua hình thức số hóa và sưu tầm, bổ sung mới; ưu tiên số hóa tài liệu địa chí, tài liệu quý hiếm, tài liệu có giá trị; xây dựng mục lục liên hợp tài liệu dùng chung trong hệ thống thư viện công cộng và một số ngành, lĩnh vực khác.
Thư viện tỉnh cũng triển khai đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ tại đơn vị, tập trung phát triển loại hình dịch vụ mới trên cơ sở nhu cầu người dùng và xu thế phát triển chung của ngành; chú trọng yếu tố công nghệ trên nền tảng các ứng dụng của web.