Quốc gia châu Á được dự báo vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, vốn hóa TTCK vượt 4.000 tỷ USD
Vốn hóa thị trường chứng khoán Ấn Độ lần đầu vượt mốc 4.000 tỷ USD, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với thị trường chứng khoán lớn thứ 4 thế giới là Hồng Kông.
Theo Bloomberg, giá trị thị trường chứng khoán Ấn Độ đã tăng hơn 1.000 tỷ USD trong vòng chưa đầy ba năm, trở thành một trong những thị trường có thành tích hàng đầu trong khu vực và toàn cầu.
Vốn đang giao dịch ở mức cao nhất mọi thời đại, các chỉ số chứng khoán quan trọng của Ấn Độ đã ghi nhận mức tăng hơn 13% trong năm nay và đang hướng tới mức tăng chưa từng có trong năm thứ 8 liên tiếp. Ngược lại, với tổng giá trị thị trường trị giá 4,7 nghìn tỷ USD, vốn hóa của thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) nơi đang là thị trường chứng khoán lớn thứ 4 trên thế giới đã giảm 17%.
Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào đầu năm nay và nổi lên là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất. Với sự ổn định chính trị và tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong nước, Ấn Độ đã và đang nỗ lực tăng cường dòng vốn đầu tư toàn cầu vào thị trường vốn cũng như sản xuất công nghiệp.
Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 15 tỷ USD cổ phiếu quốc gia trong năm 2023, trong khi các quỹ trong nước đã đổ vào hơn 20 tỷ USD. Sự hỗ trợ về thể chế, cùng với hoạt động giao dịch bán lẻ gia tăng trong thời kỳ đại dịch, đã đóng một vai trò then chốt trong sự tăng vọt của thị trường chứng khoán Ấn Độ.
Theo ông Ashish Gupta, Giám đốc đầu tư của Axis Mutual Fund, sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Ấn Độ phần lớn nhờ phản ứng tích cực đối với quá trình chuyển đổi của Ấn Độ từ nền kinh tế định hướng tiêu dùng sang nền kinh tế được dẫn dắt bởi cả tiêu dùng và đầu tư.
Tăng trưởng kinh tế của quốc gia này trở nên nổi bật trong bối cảnh vĩ mô toàn cầu đang chậm lại, với tổng sản phẩm quốc nội tăng 7,6% trong 3 tháng (tính đến tháng 9) so với một năm trước. Điều này càng củng cố triển vọng cho Thủ tướng Narendra Modi nắm giữ quyền lực trong cuộc bầu cử vào năm tới.
>> Bùng nổ đầu tư cơ sở hạ tầng, quốc gia châu Á trở thành "mỏ vàng" mới
Ấn Độ hiện đang là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và theo dự báo mới đây của S&P Global, nước này sẽ sớm vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 châu Á, lớn thứ 3 thế giới trong vòng 7 năm tới. Dự báo của S&P Global cho rằng kinh tế Ấn Độ sẽ có quy mô khoảng 7,3 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo rằng cuộc bỏ phiếu vẫn có thể gây rủi ro cho thị trường chứng khoán, số khác lưu ý việc định giá cao cổ phiếu Ấn Độ cũng là một lý do đáng lo ngại. Hệ số P/E forward của chỉ số S&P BSE Sensex của Ấn Độ hiện đang ở mức 20 lần, cao hơn so với mức trung bình 5 năm và hơn mức 16 lần của chứng khoán toàn cầu.
Dù vậy, các nhà đầu tư lớn từ Apple đến Goldman Sachs đều giữ sự lạc quan về việc đất nước này là điểm đầu tư sáng giá.
Bất chấp những cơn gió ngược kinh tế toàn cầu, Ấn Độ - nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới - được IMF dự đoán sẽ tăng trưởng 6,3% trong năm nay.
>> Quốc gia châu Á vượt mặt Mỹ và Trung Quốc, trở thành điểm nóng IPO