Quốc tế

Bùng nổ đầu tư cơ sở hạ tầng, quốc gia châu Á trở thành "mỏ vàng" mới

Quỳnh Vân 27/11/2023 16:09

Thủ tướng Narendra Modi đang chi mạnh tay vào cơ sở hạ tầng với mục tiêu đưa Ấn Độ trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2047.

Chỉ số Công nghiệp S&P BSE – thước đo bao gồm cổ phiếu của các nhà sản xuất cầu đường, máy bay trực thăng và tua-bin gió ở Ấn Độ – đã tăng gần 54% trong năm nay, nâng tổng giá trị thị trường của 214 công ty lên khoảng 125 tỷ USD. Con số này đánh bại mức tăng trưởng 8,4% của chỉ số Sensex kể từ đầu năm đến nay và vượt xa mức tăng của hai chỉ số gồm các cổ phiếu tiêu dùng.

Có thể thấy, cổ phiếu công nghiệp đang ở vị trí thuận lợi khi quá trình chuyển đổi kinh tế của Ấn Độ đang diễn ra mạnh mẽ trước cuộc bầu cử liên bang sắp tới và các công ty toàn cầu chuyển hướng sang quốc gia này như một phần của chiến lược “Trung Quốc cộng một” (China Plus One). Apple đang mở rộng sản xuất ở Ấn Độ trong khi Tesla đang tiến gần đến một thỏa thuận sẽ cho phép họ thiết lập một nhà máy tại đất nước này trong vòng hai năm tới.

Các cổ phiếu ngành xây dựng hạ tầng ở Ấn Độ đang vượt trội so với các đối thủ tiêu dùng. Nguồn: Bloomberg

“Có sự đồng thuận rộng rãi giữa các nhà đầu tư rằng dòng vốn đầu tư của Ấn Độ đang tăng lên”. Hai nhà phân tích Lavina Quadros và Koundinya Nimmagadda của Jefferies Financial Group nhận định.

Số đơn hàng của một số công ty đang tăng lên mức cao kỷ lục, điều này được thúc đẩy bởi việc chính phủ tăng chi ngân sách quốc gia cũng như sự phát triển mạnh mẽ của thị trường nhà ở tại Ấn Độ. Chi tiêu vốn cũng góp phần vào mức tăng trưởng sản lượng lên đến hai con số trong lĩnh vực thép và xi măng.

Vikas Pershad, quản lí danh mục đầu tư cổ phiếu châu Á tại M&G Investments tại Singapore, dự báo triển vọng tăng trưởng của ngành xây dựng cơ sở hạ tầng là rất lớn. Trong khi đó “vẫn còn rất nhiều áp lực” đối với những người tiêu dùng có thu nhập thấp đang phải thắt chặt chi tiêu. Do đó Pershad đánh giá thấp các cổ phiếu bị ảnh hưởng bởi nhu cầu về các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Chi “khủng” vào cơ sở hạ tầng

Thủ tướng Modi đang chi mạnh tay vào cơ sở hạ tầng với mục tiêu đưa Ấn Độ trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2047. Nền kinh tế lớn thứ năm thế giới được dự đoán sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba vào năm 2027, theo ước tính của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF).

Chính phủ Ấn Độ đã công bố chương trình trị giá 1,2 nghìn tỷ USD vào năm ngoái nhằm giải quyết phần nào các vấn đề nổi cộm hiện nay của quốc gia, bên cạnh một sáng kiến khác nhằm xây dựng mạng lưới đường bộ và đường cao tốc. Đồng thời, ông Modi cũng đã đề xuất tăng chi tiêu vốn thêm hơn một phần ba, lên tới 10 nghìn tỷ rupee (120 tỷ USD) trong năm kết thúc vào tháng 3/2024.

Để đạt được mục tiêu đã đặt ra, việc thúc đẩy phát triển chính sách là rất quan trọng. Điều này đồng nghĩa cuộc bầu cử toàn quốc sắp tới sẽ trở thành một sự kiện quan trọng đối với các nhà đầu tư vì ảnh hưởng rất mạnh đến chính sách kinh tế và cải cách. Một số chiến lược gia đã cảnh báo về tình trạng bán tháo trên thị trường nếu đảng cầm quyền của ông Modi đối mặt với thất bại bất ngờ.

Tuy nhiên, những nỗ lực của ông hiện đang tạo cơ hội cho tất cả mọi người, từ tập đoàn kỹ thuật Larsen & Toubro cho đến tập đoàn hàng đầu Ấn Độ của tỷ phú Gautam Adani. Được biết, Adani Group đã vượt qua cuộc tấn công của nhà bán khống hồi đầu năm nay. Các công ty quy mô nhỏ hơn cũng đang nhận được sự thúc đẩy, khi Ấn Độ chứng kiến điều mà tỷ phú Kumar Mangalam Birla đã mô tả vào năm 2022 là một “lễ hội vốn” trong thập kỷ tới.

Ấn Độ tăng vốn đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng. Nguồn: Kiểm toán viên và Kiểm soát viên chính phủ Ấn Độ.

Hiren Dasani, giám đốc điều hành Goldman Sachs Asset Management tại Singapore cho biết sự kết hợp giữa cắt giảm thuế doanh nghiệp, cải cách luật lao động và các biện pháp khuyến khích liên kết sản xuất đã khiến hoạt động sản xuất ở Ấn Độ trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết.

Ông cũng nói: “Những yếu tố này đã dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng đơn đặt hàng và khả năng tăng trưởng doanh thu cho nhiều cổ phiếu công nghiệp, củng cố cho sự tăng trưởng vượt trội của chúng”.

Thách thức tiêu dùng chưa từng có

Trái ngược với đó, chi tiêu tiêu dùng ở đất nước hơn 1,4 tỷ dân này, vốn là động lực chính của nền kinh tế Ấn Độ, đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất, mùa mưa yếu nhất trong 5 năm trở lại đây và lo ngại về lạm phát đã hạn chế sức mua của các hộ gia đình, đặc biệt là các gia đình có thu nhập thấp.

Những vấn đề này đã và đang đe dọa kìm hãm đà tăng trưởng của Ấn Độ.

Thu nhập của tầng lớp trung lưu gia tăng và sự phát triển mạnh mẽ của ngành dịch vụ đã thu hút nhiều “ông lớn” như Amazon, Ikea hay Apple hướng đến thị trường Ấn Độ. Tuy nhiên, doanh số bán hàng tại nhiều công ty, bao gồm cả tập đoàn hàng tiêu dùng Unilever tại Ấn Độ, Hindustan Unilever, đã giảm mạnh trong quý 3 khi người dân đang tiết kiệm chi phí sinh hoạt bằng việc mua sắm ít hơn hoặc lựa chọn các sản phẩm giá rẻ.

Quốc gia châu Á tỏa sáng, thế chân Trung Quốc thu hút các nhà đầu tư toàn cầu

Cháy bệnh viện tư khiến ít nhất 7 người thiệt mạng, trong đó có trẻ em: Điều động 3 xe cứu hỏa, 50 xe cấp cứu, cảnh sát đến hiện trường, sơ tán khẩn cấp gần 100 người

‘Báu vật’ trời ban của Việt Nam cực hiếm quốc gia sở hữu: Nước ta xuất khẩu đứng thứ 2 toàn cầu, Ấn Độ mua nhiều nhất

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/quoc-gia-chau-a-bung-no-dau-tu-co-so-ha-tang-mang-lai-mon-hoi-cho-nha-dau-tu-chung-khoan-212792.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bùng nổ đầu tư cơ sở hạ tầng, quốc gia châu Á trở thành "mỏ vàng" mới
    POWERED BY ONECMS & INTECH