Với tham vọng tham gia vào tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất chip, tập đoàn lớn nhất Ấn Độ vừa chi số tiền khổng lồ cho các dự án nhà máy sản xuất chất bán dẫn.
Ván cược khổng lồ của Tata
Vào ngày 1/4, tập đoàn Tata của Ấn Độ đã chính thức khởi động hai dự án sản xuất chất bán dẫn quy mô lớn. Nhà máy ở Gujarat trị giá 11 tỷ USD, tuyển dụng 20.000 người với công suất dự kiến 50.000 tấm silicon/ tháng. Một nhà máy khác trị giá 3 tỷ USD được động thổ ở bang Assam, nơi 27.000 công nhân bắt tay vào gia công với dây chuyền sản xuất linh kiện bán dẫn. Tại cơ sở này, tập đoàn Tata “tự lập” trong mọi khâu vận hành còn tại Gujarat, “ông lớn” công nghệ của Ấn Độ đã hợp tác với Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn Powerchip của Đài Loan (Trung Quốc).
Hai dự án tỷ USD cho thấy độ “tất tay” của chính phủ Ấn Độ trong “ván cược khổng lồ”: giấc mơ biến đất nước thành một cường quốc sản xuất công nghệ cao trước sự cạnh tranh khốc liệt của Mỹ, Trung Quốc và các nước đang phát triển mới nổi. Chủ tịch của tập đoàn Tata - ông Natarajan Chandrasekaran phát biểu: “ Chúng tôi có tầm nhìn lớn để thực hiện dự án này”, khẳng định tham vọng trong việc chuyển tập đoàn từ giai đoạn tái cơ cấu trở lại giai đoạn tăng trưởng vững chắc.
Tuy vậy, nếu phát ngôn này được đưa ra năm 2017, một “tầm nhìn lớn” mà vị Chủ tịch này đưa ra vẫn có thể bị xem là phi lý. Bởi lẽ, tập đoàn Tata từng rơi vào tình trạng hỗn loạn trong những năm cuối thế kỉ XX và những năm 2000 do những thương vụ mua lại các doanh nghiệp thép và ô tô nước ngoài không đúng lúc, khiến tập đoàn thua lỗ hàng tỷ USD mỗi năm. Ở thời kỳ này, trong số hàng trăm công ty con chỉ có Tata Consultancy Services, công ty tư vấn dịch vụ IT mà ông Chandrasekaran điều hành, là có tình hình phát triển khởi sắc hơn cả.
Ảnh minh họa: Ông Natarajan Chandrasekaran - Chủ tịch tập đoàn Tata Sons |
Trong 3 năm đầu tiên đảm nhiệm vị trí lãnh đạo, ông đã hợp nhất nhiều công ty con thành hơn 30 doanh nghiệp niêm yết và định hướng tập đoàn vì 1 mục tiêu chung. Vào năm 2020, mẫu ô tô Nexon trở thành một cú hit về doanh số sau khi được cải tiến thành xe điện. Ngày nay, Tata Motors, đơn vị sản xuất ô tô của tập đoàn chiếm 1/7 thị phần của ô tô chở khách ở Ấn Độ, tăng từ mức 1/20 cách đây 4 năm.
Nhưng song song với đà tăng trưởng ở quê nhà, một số nhà máy thép ở châu Âu của tập đoàn đang phải đóng cửa vì hoạt động kém hiệu quả. Bên cạnh đó, xu hướng du lịch bùng nổ ở Ấn Độ đã biến các khách sạn thuộc sở hữu của tập đoàn thành "cây hái ra tiền". Hãng hàng không Air India được tập đoàn mua lại từ Chính phủ vào năm 2022 cũng đang tận hưởng cơ hội thuận lợi tương tự. Tổng giá trị thị trường của các công ty con được niêm yết của Tata đã tăng từ khoảng 140 tỷ USD trong năm 2017 lên khoảng 400 tỷ USD.
Những thành công kể trên của tập đoàn đã mang lại cho ông Chandrasekaran sự tự tin và sức mạnh tài chính để theo đuổi các dự án kinh doanh đầy tiềm năng và cũng đầy rủi ro trong ngành bán dẫn. Những người đi trước đã gặp nhiều thất bại: một nỗ lực do chính phủ Ấn Độ khởi xướng vào những năm 1970 đã không đem lại kết quả như mong đợi. Các cuộc đàm phán đầy hứa hẹn giữa Ấn Độ và tập đoàn công nghệ Intel đổ vỡ vào năm 2007. Chính phủ New Delhi đã trì hoãn tiến độ khiến cho ông lớn ngành chip của Mỹ chuyển mục tiêu đầu tư sang Trung Quốc và Việt Nam.
Liệu Ấn Độ có thể chuyển mình thành công?
Dưới nhiệm kỳ thủ tướng Narendra Modi hiện tại, mọi thứ đang tiến triển nhanh hơn đáng kể khi Ấn Độ hợp tác sản xuất từ Trung Quốc, bắt đầu từ những loại chip đơn giản nhất được sử dụng trong ô tô và các thiết bị gia dụng, sau đó dần dần chuyển sang loại chip tiên tiến hơn. Chính phủ của ông được cho là đang hỗ trợ khoảng một nửa chi phí vốn cho các nhà máy sản xuất chip mới, bao gồm cả các nhà máy ở Gujarat và Assam, trong khi các bang được chi thêm 20%.
Dẫu vậy, các dự án này vẫn là ván đánh cược lớn đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân và đặc biệt là của Tata. Vào tháng 1/2023, ông Chandrasekaran cho biết chi tiêu vốn của tập đoàn có thể lên đến 90 tỷ USD trong vòng 5 năm tới. Một phần nhỏ trong số đó sẽ được Tata Sons chi trực tiếp vào sản xuất chất bán dẫn, lĩnh vực mà công ty tham vọng hiện diện trong mọi khâu của chuỗi giá trị: từ khâu thiết kế cho đến đóng gói sản phẩm.
Ảnh minh họa |
Tham vọng trở thành trung tâm sản xuất chip số một thế giới của Ấn Độ nhận nhiều nghi ngờ về tính khả thi từ những nhà quan sát kinh tế. Raghuram Rajan, cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ, hiện làm việc tại Đại học Chicago, chỉ trích tất cả các khoản trợ cấp khổng lồ dành cho chip hạng phổ thông (commoditised chips), đặc biệt là vào thời điểm mà các nước giàu hơn như Mỹ và châu Âu đang đổ hàng tỷ USD vào sản xuất các dòng tiên tiến hơn. Ông cho rằng sẽ tốt hơn nếu Ấn Độ dành khoản tài trợ đó cho các trường công nghệ - kỹ thuật và tập trung vào các lĩnh vực cần ít đầu tư hơn, chẳng hạn như khâu thiết kế chip.
Tuy nhiên, vị Chủ tịch của Tata, ông Chandrasekaran không đồng ý với đề xuất này. Ông cho rằng chỉ riêng người mua trong nước sẽ chi khoảng 100 tỷ USD/ năm cho chip vào năm 2030, tăng từ mức 40 tỷ USD hiện nay. Tập đoàn của ông là một trong số ít doanh nghiệp ở Ấn Độ có thể thực hiện nhanh chóng các dự án lớn.
75 giám đốc điều hành từ nước ngoài có chuyên môn về kinh doanh chip đã được Tata tuyển dụng để đưa các dự án đi vào hoạt động. Khoảng 70% công suất tại nhà máy Assam, dự kiến bắt đầu sản xuất vào năm 2025, đã được các khách hàng toàn cầu ký hợp đồng. Những sáng kiến dường như không tưởng của Ấn Độ vẫn có nhiều tiềm năng trong tương lai.
>> Quyết 'đấu' với Mỹ, Trung Quốc chi gần 40 tỷ USD mua thiết bị sản xuất chip trong năm ngoái