Những quốc gia hưởng lợi khi Mỹ áp thuế đối ứng
Vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố các mức thuế đối ứng sâu rộng với hàng loạt đối tác thương mại của Mỹ và gây chao đảo thị trường toàn cầu, một số quốc gia đã bắt đầu nổi lên như những bên có thể hưởng lợi từ chính sách này.
![]() |
Ô tô xếp hàng tại một cảng hàng hoá ở Singapore. (Ảnh: Reuters) |
Trong khi các đồng minh lâu năm và đối tác thương mại thân cận của Mỹ như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Hàn Quốc bị ảnh hưởng nặng nề, với các mức thuế từ 20% trở lên, thì những quốc gia như Brazil, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Kenya lại nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm”.
Brazil là một trong ít nền kinh tế bị Mỹ áp mức thuế 10%. Ngoài ra, cường quốc nông nghiệp này có thể hưởng lợi khi Trung Quốc áp biện pháp trả đũa nhắm vào nông sản Mỹ. Chính sách thuế mới của Mỹ dự kiến có hiệu lực từ ngày 9/4.
Là nước nhập siêu hàng hóa từ Mỹ, Brazil có thể tận dụng cuộc chiến thương mại mà ông Trump chủ yếu nhắm vào Trung Quốc và các nước xuất siêu khác với Mỹ.
Maroc, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Singapore, tất cả đều có thâm hụt thương mại với Mỹ, có thể tìm thấy cơ hội giữa khủng hoảng, khi các nước xuất siêu với Mỹ chịu tác động nặng nề từ mức thuế đối ứng của ông Trump.
Ông Magdy Tolba, chủ tịch liên doanh dệt may Ai Cập - Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết: “Mỹ áp thuế lên Ai Cập, nhưng nhiều nước khác chịu mức cao hơn nhiều. Điều này mang lại cơ hội rất tốt cho Ai Cập phát triển”.
Ông liệt kê Trung Quốc, Bangladesh và Việt Nam là những đối thủ cạnh tranh chính của Ai Cập trong ngành dệt may.
Thổ Nhĩ Kỳ từng bị ảnh hưởng bởi mức thuế áp với sắt thép và nhôm, nay có thể được hưởng lợi khi các đối thủ khác chịu mức thuế cao hơn. Bộ trưởng Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ Omer Bolat nói rằng mức thuế mà nước này phải chịu là “tốt nhất trong những cái xấu nhất”.
Tương tự, Maroc, nước có hiệp định thương mại tự do với Mỹ, có thể thu hút đầu tư nhờ mức thuế 10%. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng nguồn đầu tư lớn gần đây từ Trung Quốc, như khoản 6,5 tỷ USD của Gotion High Tech để xây dựng nhà máy pin đầu tiên của châu Phi, có thể khiến ông Trump chú ý, từ đó dẫn đến tác động tiêu cực.
Nhà kinh tế Rachid Aourraz, công tác tại Viện Phân tích chính sách Maroc (MIPA), cảnh báo các ngành công nghiệp hàng không vũ trụ và phân bón của Maroc vẫn có thể bị ảnh hưởng.
Kenya, quốc gia mà Mỹ có thặng dư thương mại, cũng hy vọng có thể tận dụng tình hình, nhất là với ngành dệt may, khi các đối thủ cạnh tranh khác bị đánh thuế nặng hơn.
Singapore cũng đối mặt với những biến động, với chỉ số Straits Times giảm 7,5% trong ngày giao dịch đầu tuần, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2008. Dù Singapore có thể thu hút một số dòng vốn đầu tư, nhưng các quy định về sản xuất và tỷ lệ nội địa hóa có thể gây hạn chế.
Nhà kinh tế Selena Ling của ngân hàng OCBC nhận định: “Không có bên thắng thực sự nếu Mỹ hoặc nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, chỉ là tương đối thôi”. Ấn Độ, dù bị áp mức thuế 26%, vẫn đang tìm kiếm cơ hội khi các đối thủ châu Á khác đối mặt với nguy cơ lớn hơn.
Theo một báo cáo nội bộ của Chính phủ Ấn Độ, nước này có thể giành thêm thị phần xuất khẩu sang Mỹ trong các ngành dệt may, quần áo và giày dép. Ấn Độ cũng kỳ vọng sẽ giành được một phần lớn hơn trong chuỗi sản xuất iPhone của Apple khi tên tuổi này đang rút khỏi Trung Quốc, dù mức thuế 26% vẫn khiến sản phẩm của hãng đắt hơn tại Mỹ.
Tại Nam Mỹ, nơi xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng như đồng và ngũ cốc, người ta hy vọng cuộc khủng hoảng thuế quan có thể hồi sinh tiến trình đàm phán trì hoãn từ lâu giữa khối Mercosur và Liên minh châu Âu. Brazil có thể là bên hưởng lợi lớn nhất nếu đạt được thỏa thuận như vậy.
Tại Mexico, nước từng bị ông Trump chỉ trích nặng nề, hầu hết thương mại vẫn được bảo vệ bởi hiệp định USMCA mà họ đã đàm phán được với Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump.
>> Từ hôm nay, Mỹ chính thức áp thuế 104% lên hàng Trung Quốc, hiệu lực ngay lập tức
Chứng khoán Mỹ đỏ lửa trước thềm chính thức áp thuế kỷ lục 104% lên Trung Quốc
Từ hôm nay, Mỹ chính thức áp thuế 104% lên hàng Trung Quốc, hiệu lực ngay lập tức