Huyền thoại đầu tư Warren Buffett đã đến Nhật Bản lần thứ 2 trong đời vào năm ngoái với một thông điệp gửi đến thế giới rằng, Nhật Bản luôn có những món hời.
WSJ đưa tin, vào ngày 21/3/2024, chứng khoán Nhật Bản đã chạm mốc kỷ lục khi chỉ số Nikkei đóng cửa ở mức 40,815.66 điểm. Mức cao nhất mọi thời đại này đã vượt kỷ lục được thiết lập trước đó vào năm 1989 khi "bong bóng tài sản" của nước này vỡ tung.
Chỉ số Topix cũng tăng 1,64%, lên 2.796,21 điểm, cao nhất kể từ tháng 1/1990. Đà tăng giúp Nhật Bản trở thành một trong những thị trường có diễn biến tốt nhất thế giới năm 2024.
Điều này đã thu hút sự chú ý của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đến Nhật Bản. Tập đoàn Berkshire Hathaway của ông hiện sở hữu lượng cổ phiếu tại nước này nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác chỉ trừ quê nhà Mỹ.
Đích thân ông đã tới thủ đô Tokyo (Nhật Bản) lần thứ 2 trong đời vào tháng 4/2023 với 1 thông điệp rõ ràng: ở Nhật Bản có rất nhiều món hời.
Không chỉ riêng Buffett, quỹ đầu cơ Citadel (Mỹ) của tỷ phú Ken Griffin cũng quyết định mở cửa trở lại văn phòng ở Tokyo. Trước đó, quỹ này đã rút khỏi thị trường Nhật Bản sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Một tỷ phú khác là Steve Cohen cho biết quỹ đầu cơ Point72 của ông có kế hoạch mở rộng đáng kể tại thị trường Nhật trong năm nay.
Trong khi đó, CEO Blackstone (quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân lớn nhất thế giới) là Stephen Schwarzman từng tới thăm Nhật Bản ngày 30/3/2023. Cùng ngày, đối thủ lâu năm của Blackstone là KKR cũng có mặt tại đây để gặp gỡ các Giám đốc điều hành của Hitachi.
Các quỹ đầu cơ cùng nhiều công ty cổ phần tư nhân trên thế giới đang đổ xô đến Nhật Bản vì "mọi thứ trên thế giới đều quá đắt đỏ". Ảnh: Nikkei |
Lý giải sức hút
Theo Nikkei, lần gần nhất Nhật Bản thu hút được nhiều sự chú ý đến vậy là sau khi cố Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền và đưa ra một loạt biện pháp cải cách kinh tế. Chính sách kinh tế Abenomics của ông đã thúc đẩy chỉ số Nikkei tăng gấp đôi từ 10.000 lên 20.000 điểm trong thời gian từ năm 2013 đến 2015.
Nhưng đà cải cách sau đó chậm lại khiến các nhà đầu tư nước ngoài lần lượt rời đi.
Đến năm 2020, Buffett trở nên quan tâm đến Nhật Bản hơn khi đầu tư vào 5 tập đoàn lớn bao gồm Itouchu, Mitsubishi, Mitsui, Sumitomo và Marubei. Được biết Berkshire hiện sở hữu 7,4% cổ phần của mỗi công ty.
Ông chia sẻ rằng 5 tập đoàn kể trên “bán những thứ mà ông nghĩ là ở mức giá rẻ đến vô lý nếu so với lãi suất ở thời điểm đó”. Berkshire vay yên Nhật ở mức lãi suất 0,17% đến 1,1% ở thời điểm năm 2019, sau đó đầu tư vào những công ty có chỉ số lợi suất thu nhập (tính bằng cách lấy chỉ số EPS chia cho giá cổ phiếu) vào khoảng 14%. Như vậy chênh lệch lên đến hơn 10%, trong khi đối với 1 công ty thông thường ở Mỹ mức chênh lệch rơi vào khoảng 1% đến 1,5%.
Những cải cách của ông Abe giờ đang mang lại nhiều kết quả tích cực hơn. Năm 2022, lượng mua lại cổ phiếu quỹ và cổ tức tăng lên mức cao kỷ lục. Đến năm 2023, kỷ lục này tiếp tục bị phá vỡ.
Ví dụ như tập đoàn Mitsubishi tháng 5 năm ngoái đã thông báo chi 2,2 tỷ USD mua cổ phiếu quỹ. Mặc dù mua lại cổ phiếu là điều bình thường ở Mỹ, nhưng với các công ty Nhật Bản điều này lại có ý nghĩa rất lớn vì họ đang ngồi trên núi tiền mặt khổng lồ.
Thống kê của Jefferies chỉ ra gần một nửa các công ty Nhật Bản có thặng dư tiền mặt trên bảng cân đối kế toán, trong khi tỷ lệ ở Mỹ chỉ là 22%. Lần đầu tiên kể từ 2011, tổng lượng tiền mặt mà các công ty phi tài chính trong chỉ số Topix nắm giữ ghi nhận sự sụt giảm dù họ vẫn có khoảng 1.000 tỷ USD tiền mặt.
Nhìn về mặt kinh tế vĩ mô, Nhật Bản đang trở thành 1 điểm sáng trong lúc Mỹ đứng trước nguy cơ suy thoái và Trung Quốc vẫn chưa hồi phục đủ mạnh sau đại dịch như kỳ vọng.