Điều này đánh dấu sự thay đổi lớn về vị thế thương mại giữa 2 cường quốc sản xuất.
Theo SCMP, Trung Quốc đã vượt qua Đức về mảng xuất khẩu một số sản phẩm, làm thay đổi cán cân thương mại ở những thị trường lớn và đặt ra thách thức đối với cường quốc sản xuất châu Âu.
Công ty bảo hiểm Allianz Trade cho biết, trong khi Đức trước đây là nguồn nhập khẩu chính ở khu vực châu Âu, đặc biệt là trong các lĩnh vực tiên tiến như ô tô và máy móc, thị phần của nước này lại đang giảm dần.
Ngược lại, Trung Quốc đã “đạt được lợi ích đáng kể” tại thị trường này trong những lĩnh vực như máy tính, điện tử và sản phẩm quang học, kim loại và dược phẩm.
Trung Quốc đang dần dần chiếm lĩnh thị phần trong các lĩnh vực công nghiệp tiên tiến. Ảnh: SCMP |
Theo Allianz Trade, đà tăng trưởng đặc biệt mạnh mẽ trong lĩnh vực thiết bị điện, với tốc độ 5,1 điểm phần trăm từ năm 2018 đến năm 2023 và 7 điểm phần trăm từ năm 2013 đến năm 2023. Xu hướng này làm nổi bật khả năng cạnh tranh ngày càng lớn của Trung Quốc.
Dù quốc gia này vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Đức nhưng số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy xuất nhập khẩu giữa 2 nước vào năm 2023 đã giảm 8,7% so với 1 năm trước đó, xuống còn 206,8 tỷ USD.
Trung Quốc được đánh giá là đang tiến lên chuỗi giá trị toàn cầu với thị phần xuất khẩu vượt qua Đức trong các lĩnh vực quan trọng, đồng thời đẩy các sản phẩm châu Âu ra khỏi thị trường nội địa của mình.
Dữ liệu từ Allianz tiết lộ thị phần xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc đã tăng mạnh từ dưới 4% năm 2000 lên 14% vào năm 2022.
Xuất khẩu hàng tháng của Trung Quốc. Nguồn: SCMP |
Trong khi đó, thị phần của Đức giảm xuống còn 8% vào năm 2022 sau một thời gian dài trì trệ ở mức khoảng 10%.
Nhà phân tích của Allianz bình luận: “Tỷ lệ xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc đã vượt qua Đức ở 3 trong số 4 lĩnh vực xuất khẩu chính là máy móc và thiết bị, hóa chất và một danh mục rộng bao gồm máy tính, viễn thông, điện tử và thiết bị gia dụng”.
Bên cạnh đó, họ cũng lưu ý các công ty máy móc, nhà sản xuất xe động cơ đốt trong và nhà sản xuất hóa chất chuyên dụng của Đức sẽ phải đối mặt với “sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ Trung Quốc” được hỗ trợ bởi giá cả cạnh tranh và đầu tư từ Chính phủ.
Báo cáo chỉ ra quốc gia tỷ dân này đã có khả năng tích hợp chuỗi giá trị dài trong nước, từ đó có thể cung cấp hàng hóa cần ít sự tham gia của các nước khác.
Bất chấp những khó khăn ở thị trường Trung Quốc, đây vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các tập đoàn lớn Đức khi đầu tư trực tiếp của nước này vào Trung Quốc ghi nhận mức tăng gấp 5 lần từ năm 2010 đến năm 2022.
Cả hai quốc gia tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế, ngay cả khi Berlin cố gắng giảm rủi ro cho chuỗi cung ứng của họ và tham gia khiếu nại của phương Tây về tình trạng dư thừa công suất do trợ cấp Nhà nước Trung Quốc gây ra.