Quốc gia này đang cố gắng tăng cường sự hiện diện của họ hơn nữa trên trường quốc tế nhằm nâng cao vị thế trong lĩnh vực chip.
Khi công ty thiết kế chip Oppstar niêm yết trên sàn chứng khoán Malaysia vào năm ngoái, quốc gia Đông Nam Á này đang chứng kiến một bước ngoặt với tham vọng hồi sinh ngành công nghiệp bán dẫn.
Trong bối cảnh hoạt động IPO ảm đạm trên toàn cầu, các nhà đầu tư đã đổ xô vào đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, qua đó đẩy giá cổ phiếu tăng 286% trong ngày giao dịch đầu tiên.
Giám đốc điều hành Oppstar Ng Meng Thai, đồng thời là cựu nhà thiết kế của Intel. Ảnh: Nikkei |
Nhà sáng lập và đồng CEO Ng Meng Thai chia sẻ: “Trở thành người đầu tiên luôn khó khăn. Khi bắt đầu IPO, chúng tôi sợ rằng nhiều nhà đầu tư trong nước có thể không biết rõ về ngành của chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi phải nỗ lực giải thích rất nhiều”.
Kể từ đó, nhiều giám đốc điều hành từ các công ty sản xuất chip hàng đầu của Mỹ, Nhật Bản và châu Âu thường xuyên ghé thăm văn phòng của công ty ở bang Penang, phía Bắc Malaysia - nơi có đội ngũ nhân viên gồm 280 người thiết kế chip.
Meng Thai (59 tuổi) nói thêm: “Đó là một sự thay đổi khá lớn so với những ngày đầu khi chúng tôi đến gõ cửa từng nhà. Chúng tôi là số ít những công ty đã vượt qua được mọi khó khăn".
Việc Oppstar là công ty thiết kế chip duy nhất niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Kuala Lumpur cũng là một dấu hiệu cho thấy đất nước này – từng được mệnh danh là “Thung lũng Silicon của phương Đông” – vẫn còn một chặng đường dài phía trước để lấy vinh quang trước đây.
Tham vọng của Malaysia
Bang Penang được biết đến trong nhiều thập kỷ như một cụm quy trình sản xuất chip phụ trợ, bao gồm đóng gói, lắp ráp và thử nghiệm. Song, những quy trình này lại kém tiên tiến hơn so với chế tạo tấm bán dẫn và các quy trình đầu cuối khác.
Vì vậy, những công ty khởi nghiệp như Oppstar đang tìm cách thay đổi điều đó bằng cách vượt ra khỏi lĩnh vực back-end (giai đoạn sau của quy trình sản xuất chất bán dẫn) và chuyển sang các lĩnh vực như thiết kế chip.
Oppstar trở thành công ty thiết kế chip đầu tiên của Malaysia niêm yết trên thị trường chứng khoán nước này vào năm 2023. Ảnh: Nikkei |
Bộ trưởng Thương mại Malaysia Zafrul Aziz tiết lộ Chính phủ cũng có kế hoạch thúc đẩy các hoạt động như vậy. Ông nói: “Nuôi dưỡng một nền văn hóa khởi nghiệp sôi động là rất quan trọng”.
Được thành lập vào năm 2014, Oppstar thiết kế các mẫu bóng bán dẫn dùng cho chip từ cấp 20 nanomet trở xuống cho đến các chip 3 nanomet tiên tiến nhất.
Không giống như những gã khổng lồ chip toàn cầu Intel và Nvidia - chủ yếu thiết kế và bán chip mang nhãn hiệu riêng - Oppstar là nhà thiết kế theo hợp đồng, phát triển chip riêng cho khách hàng.
Nhờ kinh nghiệm với nhiều xưởng đúc khác nhau, Oppstar có thể đảm bảo các dự án từ khách hàng toàn cầu khi chuỗi cung ứng buộc phải thay đổi để ứng phó với căng thẳng địa chính trị.
Với đó, Malaysia đã tái nổi lên như một điểm đến chính cho giới đầu tư chip khi các công ty như Intel và Infineon Technologies tìm cách đa dạng hóa hoạt động sản xuất.
Kể từ khi Intel mở nhà máy lắp ráp ở nước ngoài đầu tiên tại Penang vào năm 1972, quốc gia này đã đóng một vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp chip toàn cầu. Ngày nay, đây là nhà xuất khẩu chất bán dẫn lớn thứ 6 thế giới và là nước đóng góp lớn nhất cho nhập khẩu chất bán dẫn của Mỹ với mức tăng trưởng trên 20% giá trị hàng năm, nhiều hơn Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản.
Nhưng bất chấp lịch sử lâu đời trong ngành, Malaysia vẫn bị lu mờ trước Hàn Quốc và Đài Loan trong các lĩnh vực sản xuất chip có công nghệ tiên tiến hơn.
Không chiếm được lợi thế về lĩnh vực front-end (giai đoạn đầu của quy trình sản xuất chất bán dẫn) là cơ hội bị bỏ lỡ đối với Malaysia.
Steve Chan của Ngân hàng Đầu tư Affin Hwang nhận định: “Việc khai thác vào thị trường front-end sẽ rất quan trọng để thúc đẩy giai đoạn tăng trưởng chất bán dẫn tiếp theo của Malaysia”.
Nhưng chi phí của các nhà máy chế tạo rất tốn kém khi một nhà máy sản xuất chip tiên tiến do TSMC hoặc Samsung xây dựng có thể tiêu tốn hàng tỷ USD.
Với mức chi tiêu vượt xa hầu hết các công ty địa phương, Wong Siew Hai - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Malaysia, coi hoạt động kinh doanh thiết kế chip yêu cầu ít vốn hơn là một “lĩnh vực then chốt” cho những doanh nghiệp mới tham gia.
Khan hiếm nhân tài chip
Thu hút kỹ sư chip là một vấn đề cần đặc biệt chú ý với Malaysia vì các công ty đa quốc gia đang đưa ra mức lương cao hơn các công ty địa phương.
Kalai Selvan Subramaniam, CEO của công ty thiết kế chip Infinecs Systems (Malaysia) nhấn mạnh: “Một trong những lĩnh vực quan trọng mà chúng tôi cần xem xét là làm thế nào để phát triển nhân tài ở Malaysia cũng như thu hút nhân tài từ nước ngoài”.
Tuy nhiên, đây không phải là thách thức duy nhất đối với ngành công nghiệp chip của Malaysia. Đầu tư đang bùng nổ ở Penang, nhưng khu vực này vẫn phụ thuộc nhiều vào các công ty đa quốc gia nước ngoài.
Đầu tư nước ngoài đang tăng vọt ở Penang, Malaysia. Ảnh: Nikkei |
Dữ liệu từ Chính phủ tiết lộ bang này đã thu hút 12,65 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài vào năm 2023, trong khi đầu tư trong nước chỉ dao động ở mức khoảng 627 triệu USD trong những năm qua, nhỏ hơn đáng kể so với mức FDI.
Phát triển ngành công nghiệp chip tiên tiến hơn với lực lượng lao động có tay nghề cao là rất quan trọng đối với Malaysia vì các nước châu Á khác sở hữu lao động rẻ hơn như Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ cũng đang cạnh tranh để xây dựng lĩnh vực bán dẫn.
Để đạt được mục tiêu đó, quan chức địa phương và các doanh nghiệp trong ngành cho rằng chỉ dựa vào FDI sẽ không đủ.
Loo Lee Lian, Giám đốc điều hành của InvestPenang, nói rằng FDI chỉ là một trong những lĩnh vực trọng tâm và Chính phủ sẽ cần thúc đẩy các công ty nước ngoài nội địa hóa chuỗi cung ứng của họ.