Quốc gia Đông Nam Á kêu gọi Trung Quốc hậu thuẫn tham vọng gia nhập BRICS
Động thái của Malaysia diễn ra trong bối cảnh khi ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng ở Đông Nam Á.
Malaysia đang lên kế hoạch gia nhập nhóm BRICS gồm các quốc gia mới nổi, nhằm củng cố quan hệ với các nền kinh tế Nam Bán cầu trên toàn thế giới, trở thành quốc gia Đông Nam Á thứ hai sau Thái Lan bắt đầu quá trình gia nhập.
Nikkei dẫn các nguồn tin từ Chính phủ Malaysia cho biết, Thủ tướng Anwar Ibrahim đã đề cập đến vấn đề này trong cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Li Qiang vào hôm thứ Tư (19/6), yêu cầu sự hỗ trợ của Bắc Kinh trong quá trình nộp đơn.
Ông Li, hiện đang trong chuyến công du khu vực, đã đến Malaysia vào tối thứ Ba (18/6), sau khi dừng chân ở New Zealand và Australia, trở thành Thủ tướng Trung Quốc đầu tiên đến thăm quốc gia Đông Nam Á này kể từ năm 2015. Hai nước đã đánh dấu kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao trong năm nay.
Hai vị Thủ tướng đã tổ chức một cuộc họp riêng kéo dài 30 phút, sau đó là cuộc họp song phương kéo dài một giờ với sự tham gia của các Bộ trưởng của cả hai nước, nơi họ trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Thủ tướng Trung Quốc Li Qiang (trái) và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đi bộ ở Putrajaya, Malaysia, ngày 19/6. Ảnh: Văn phòng Thủ tướng Malaysia |
Trước cuộc họp, Thủ tướng Anwar cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông Trung Quốc Guancha rằng Malaysia rất mong muốn gia nhập nhóm BRICS.
Ông Anwar nói: “Chúng tôi đã đưa ra quyết định và sẽ sớm thực hiện các thủ tục chính thức. Tôi đang hợp tác chặt chẽ với Tổng thống Brazil Lula da Silva trong việc mở rộng chính sách”.
BRICS là một tổ chức liên Chính phủ được thành lập năm 2006 bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Mục tiêu của khối là nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế và đối thoại chính trị giữa các nước thành viên.
Kể từ ngày 1/1/2024, các nước Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) chính thức gia nhập khối. Đầu tháng 5, Thái Lan đã công bố ý định gia nhập khối sau khi hoàn tất kế hoạch nộp đơn.
Động thái của Malaysia diễn ra trong bối cảnh khi ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng ở Đông Nam Á.
Trung Quốc - Malaysia tăng cường hợp tác sâu rộng
Vào thứ Tư (19/6), hai nước đã trao đổi 14 bản ghi nhớ trong các lĩnh vực như thương mại và đầu tư, kinh tế kỹ thuật số, phát triển xanh, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia và các thành phố thông minh.
Trung Quốc và Malaysia tổ chức cuộc gặp song phương ngày 19/6. Ảnh: Văn phòng Thủ tướng Malaysia |
Hai vị Thủ tướng cũng dự kiến sẽ tham dự lễ khởi công tuyến đường sắt bờ biển phía Đông do Trung Quốc hậu thuẫn gần Kuala Lumpur.
Buổi lễ sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc xây dựng tuyến đường dài 665km, đã hoàn thành 60% tính đến cuối tháng 3.
Là một trong những tuyến đường sắt dài nhất được Trung Quốc xây dựng ở nước ngoài, tuyến đường này được coi là biểu tượng của mối quan hệ song phương nồng ấm, cũng như Sáng kiến Vành đai và Con đường gây tranh cãi của Bắc Kinh mà một số người chỉ trích là gây ra tình trạng nợ nần ở các nước đang phát triển.
Theo Bộ Ngoại giao Malaysia, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia trong 15 năm liên tiếp cho đến năm 2023. Các thương hiệu ô tô Trung Quốc như Tập đoàn ô tô Quảng Châu (GAC), Great Wall Motors, BYD và Neta đang xây dựng nhà máy ở Malaysia, tận dụng các ưu đãi và miễn giảm thuế của Chính phủ để thúc đẩy sản xuất xe điện tại quốc gia này.
“Người Trung Quốc rất sẵn lòng hợp tác, họ hợp tác tốt, thẳng thắn và không tỏ ra kiêu ngạo”, ông Anwar nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ South China Morning Post.
Đề cập đến cuộc phỏng vấn, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lin Jian cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Hai rằng Bắc Kinh hoan nghênh những phát biểu của ông Anwar. "Trung Quốc mong muốn hợp tác với Malaysia để tiếp tục phát huy tình hữu nghị truyền thống, tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực và đồng thời củng cố cộng đồng Trung Quốc-Malaysia với một tương lai chung”.
Phát biểu tại một diễn đàn hồi đầu tháng này, Thủ tướng Anwar đã nhắc lại rằng đất nước của ông không chọn phe giữa các siêu cường, và các ý kiến cho rằng Malaysia đang nghiêng về một siêu cường này hơn siêu cường kia là một "sự hiểu lầm trắng trợn" về lợi ích của đất nước ông .
Lập trường như vậy vẫn được Trung Quốc đánh giá cao khi Bắc Kinh tìm cách lấy lòng các nước đang phát triển trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với các nền kinh tế phát triển. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này ủng hộ nỗ lực của Malaysia trong việc "duy trì độc lập chiến lược quốc gia".
Trong khi đó, tình cảm của công chúng tại Malaysia đang nghiêng về phía Trung Quốc. Một cuộc khảo sát gần đây của Viện ISEAS-Yusof Ishak, một tổ chức nghiên cứu của Singapore, thực hiện cho thấy 75% số người được hỏi ở Malaysia cho biết họ sẽ ủng hộ Trung Quốc nếu buộc phải lựa chọn giữa hai siêu cường. Điều này phản ánh ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc và thái độ tiêu cực của quốc gia có đa số người Hồi giáo này đối với Mỹ, nước ủng hộ Israel trong cuộc xung đột với Hamas.
Tuy nhiên, Malaysia hiện vẫn thu hút các công ty Mỹ, với các tập đoàn công nghệ lớn như Microsoft gần đây đã công bố các khoản đầu tư lớn vào nước này .
Xuất khẩu của Malaysia sang Mỹ gần đây đã tăng do các công ty Mỹ mua nhiều thiết bị điện tử và các sản phẩm khác từ Malaysia trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu thay đổi, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc chậm lại.
>> BRICS tiết lộ thời điểm công bố hệ thống thanh toán riêng thay thế SWIFT