Quốc hội cho ý kiến về Luật Chứng khoán sửa đổi
Ngày 10/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật bao gồm: Luật Chứng khoán, Kế toán, Kiểm toán độc lập, Ngân sách Nhà nước, Quản lý và sử dụng tài sản công, Quản lý thuế và Dự trữ quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi |
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, việc sửa đổi này nhằm hoàn thiện thể chế pháp luật trong các lĩnh vực quan trọng, đảm bảo hành lang pháp lý kịp thời và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế trong bối cảnh hiện nay.
Các ý kiến tại phiên họp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường kinh doanh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, nhiều đại biểu đề xuất tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý và xây dựng pháp luật, đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính và phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Một số đại biểu cũng nhấn mạnh cần có quy định rõ ràng, minh bạch, đánh giá tác động cụ thể, cùng với chế tài nghiêm khắc để tránh thất thoát tài sản công và ngăn chặn thao túng thị trường chứng khoán.
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật trên và thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách cùng các cơ quan của Quốc hội. Để đảm bảo chất lượng dự án luật, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra; đồng thời lưu ý một số nguyên tắc tương tự như Ủy ban Thường vụ đã cho ý kiến khi thảo luận tại phiên họp trước về 1 luật sửa 4 luật do Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì soạn thảo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến cơ quan thẩm tra và các nguyên tắc để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật, thu hẹp các điều khoản đề nghị sửa đổi, đảm bảo các vấn đề cần thiết, cấp bách cần sửa ngay, đạt sự đồng thuận cao. Các nội dung còn lại đề nghị tiếp tục rà soát, sửa đổi khi sửa đổi toàn diện các luật. Ủy ban Tài chính, Ngân sách khẩn trương thẩm tra chính thức để trình Quốc hội xem xét, thảo luận.
>> UBCKNN họp sửa đổi Luật Chứng khoán: Tháo gỡ vướng mắc, nâng hạng thị trường