Ngày mai sẽ trình Quốc hội dự án đường sắt hơn 8 tỷ USD đi qua 9 tỉnh, thành của Việt Nam
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình dự án này lên Quốc hội để thảo luận tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, dự kiến khai mạc vào ngày 12/2.
Tại Phiên họp thứ 42 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh sự cần thiết của việc trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư cho dự án này. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý cần xây dựng phương án tối ưu, hạn chế tác động đến các khu dân cư và quỹ đất rừng.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tiến hành khảo sát, chuẩn bị kỹ lưỡng các công tác thu hồi đất, bồi thường, tái định cư; đồng thời bố trí hệ thống các nhà ga kết nối với hạ tầng khu vực. Các yếu tố về định mức đơn giá, công nghệ và bảo vệ môi trường cần được cập nhật đầy đủ nhằm tránh tình trạng kéo dài tiến độ và đội vốn gây lãng phí.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình dự án này lên Quốc hội để thảo luận tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, dự kiến khai mạc vào ngày 12/2.
![Ảnh minh họa Ảnh minh họa](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/11/cdn1z.reatimes.vn-652356615132086272-2025-2-11-_duong-sat-1-1739243667398430797309.jpg)
Trước đó, Chính phủ đã gửi Tờ trình số 69/TTr-CP, kiến nghị Quốc hội xem xét và phê duyệt chủ trương đầu tư cho dự án.
Theo nội dung tờ trình, dự án đặt mục tiêu xây dựng một tuyến đường sắt hiện đại, đồng bộ, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa và kết nối quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Tuyến đường này được kỳ vọng sẽ trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng và bền vững.
>> Đề xuất bổ sung 4.000 tỷ đồng để ‘cứu’ dự án đường sắt ‘đắp chiếu’ hơn chục năm
Tuyến đường sắt có điểm đầu tại khu vực kết nối giữa ga Lào Cai Mới và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện (Hải Phòng), đi qua địa bàn 9 tỉnh, thành phố (Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng) với tổng chiều dài tuyến chính khoảng 390,9km, kèm theo ba tuyến nhánh dài 27,9km.
Dự án sẽ triển khai xây dựng tuyến đường sắt điện khí hóa khổ tiêu chuẩn 1.435mm, phục vụ cả vận tải hành khách và hàng hóa.
Tuyến chính từ ga Lào Cai Mới đến ga Nam Hải Phòng được thiết kế vận tốc tối đa 160km/h, riêng đoạn qua khu vực đầu mối Hà Nội đạt 120km/h, trong khi các tuyến nhánh và nối có vận tốc 80km/h.
Hướng tuyến được nghiên cứu và tối ưu hóa theo tiêu chí ngắn và thẳng nhất có thể. Ba loại kết cấu chính gồm: cầu chiếm khoảng 29% chiều dài tuyến, hầm chiếm 7% và nền đất chiếm 64%.
Dọc theo tuyến sẽ có 18 ga, trong đó có 3 ga lập tàu và 15 ga hỗn hợp, cùng với 13 trạm tác nghiệp kỹ thuật phục vụ vận hành. Khi nhu cầu vận tải tăng, một số trạm kỹ thuật có thể được nâng cấp thành ga hỗn hợp và bổ sung thêm các ga mới.
Dự án dự kiến sử dụng khoảng 2.632ha đất với khoảng 19.136 người cần tái định cư. Tổng mức đầu tư sơ bộ ước tính khoảng 8,37 tỷ USD với hình thức đầu tư công.
Để đảm bảo sự chủ động và linh hoạt trong nguồn vốn, Chính phủ đề xuất sử dụng ngân sách Nhà nước (bao gồm nguồn Trung ương và địa phương), kết hợp với các nguồn vốn trong nước, nước ngoài (vay từ Chính phủ Trung Quốc) và các nguồn hợp pháp khác.