Trong 12 kỳ điều hành tăng giá, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã thực hiện chi quỹ liên tục để hạn chế đà tăng mạnh của xăng dầu trong nước so với thế giới.
Từ 15h chiều 13/6/2022, giá xăng một lần nữa “lập đỉnh” mới sau khi liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh theo chu kỳ. Với đợt tăng thứ 6 liên tiếp, xăng E5 RON 92 tăng lên 31.110 đồng/lít, còn xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 800 đồng/lít, lên mốc 32.370 đồng/lít.
Tính chung từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng 12 đợt, làm cho giá xăng RON 95 tăng 8.494 đồng/lít; giá xăng E5 RON 92 tăng 7.951 đồng/lít, mức tăng liên tục và cao nhất trong lịch sử.
Song hiện nay, giá mặt hàng này bị đẩy lên cao và liên tục kéo theo giá hàng hóa tăng đè nặng lên cuộc sống của người dân, doanh nghiệp. Để hạn chế mức tăng mạnh như thế giới, trong các kỳ điều hành giá, cơ quan điều hành cho biết đã thực hiện chi sử dụng quỹ liên tục cho các mặt hàng xăng và dầu với mức chi 100-1.500 đồng/lít, tuỳ loại.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước đã có 12 lần tăng và 3 lần giảm giá. Đối với xăng RON 95, cơ quan điều hành đã có 6 lần chi và 9 lần trích quỹ bình ổn, trong đó, mức chi cao nhất là 1.000 đồng/lít vào kỳ điều hành ngày 11/3 và mức trích cao nhất là 650 đồng/lít vào kỳ điều hành ngày 12/4. Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã có 6 lần chi, 9 lần trích quỹ
Thực tế, trong 12 kỳ tăng giá từ đầu năm đến nay, liên bộ đã phải liên tục ngừng trích và tăng chi sử dụng quỹ để "hãm" đà tăng giá xăng dầu. Theo số liệu của cơ quan quản lý, trong quý đầu năm nay, số tiền các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trích lập vào quỹ là gần 602 tỷ, tuy nhiên, số tiền quỹ phải chi ra để bình ổn giá xăng dầu trên thị trường lên tới 1.671 tỷ đồng.
Theo quy định, quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách Nhà nước; toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng quỹ để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong nước theo điều hành giá xăng dầu.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm trích lập, chi sử dụng, báo cáo, công khai về quỹ bình ổn giá xăng dầu và quản lý quỹ theo quy định.
Bản chất của quỹ này chính là một khoản thu trước của người dân trích ra từ giá xăng dầu để cơ quan điều hành sử dụng làm công cụ điều chỉnh giá. Song, thực tế khi giá xăng tăng, quỹ bình ổn phải chi mạnh khiến nhiều doanh nghiệp âm quỹ lớn; còn khi giá giảm, cơ quan điều hành phải trích quỹ, bù đắp cho phần âm quỹ trước dẫn đến mức giảm "nhỏ giọt" như 3 kỳ điều chỉnh vừa qua.
Xem thêm: Bỏ quỹ bình ổn để giá xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường