Trong một diễn biến mới nhất, nhóm cổ đông HAGL (HOSE: HAG) vừa có kiến nghị nhằm gia tăng tối đa quyền lợi cổ đông tại ĐHCĐ thường niên sắp diễn ra vào ngày 8/4/2022 tới đây.
Lãi sau kiểm toán nhờ 259 tỷ đồng hoàn thuế
CTCP Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (HOSE: HAG) vừa công bố văn bản giải trình chi tiết liên quan tới khoản thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021.
Theo ghi nhận, HAGL đạt gần 191 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh. Khoản lỗ khác hơn 321 tỷ đồng (chủ yếu nằm ở chi phí chuyển đổi vườn cây) khiến công ty lỗ trước thuế gần 131 tỷ đồng. Tuy nhiên nhờ khoản thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại 259 tỷ đồng đã giúp HAGL báo lãi sau thuế gần 128 tỷ, lãi ròng cả năm 2021 là 203 tỷ đồng.
Theo HAGL, việc phát sinh khoản thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại trong 2021 do trong các năm trước đây khi còn hợp nhất với nhóm công ty HAGL Agrico (HNG), tập đoàn đã hạch toán vào khoản mục "Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại" liên quan đến các khoản như: Dự phòng các khoản đầu tư của HNG vào các công ty con của HNG trên cấp độ hợp nhất; chi phí lãi vay vốn hoá của nhóm công ty HNG vào các vườn cây trên cấp độ hợp nhất; lợi nhuận nội bộ chưa thực hiện phát sinh từ các giao dịch giữa nhóm công ty HNG và các đơn vị trong cùng tập đoàn trên cấp độ hợp nhất.
Trong năm 2021, sau khi hoàn tất thoái vốn đầu tư khỏi nhóm công ty HNG, Tập đoàn đã tiến hành hoàn nhập các khoản chi phí thuế này trên báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất với khoản thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại các khoản dự phòng các khoản đầu tư 141 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại của khoản chi phí lãi vay vốn hoá 120 tỷ đồng và thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại của khoản lợi nhuận nội bộ chưa thực hiện âm gần 75 tỷ.
Sang năm 2022, công ty đặt mục tiêu doanh thu tăng lên 4.800 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế vào mức 1.120 tỷ đồng - gấp 10 lần năm 2021. HAGL cũng sẽ thực hiện phát hành cổ phiếu riêng lẻ để huy động vốn chủ sở hữu 1.200 tỷ đồng đầu tư vào ngành chuối và chăn nuôi heo. Giải pháp này sẽ giúp tăng hệ số an toàn tài chính, đầu tư gia tăng tài sản sinh lợi qua đó tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh và giảm rủi ro, tăng giá trị cũng như mức độ hấp dẫn của cổ phiếu HAGL.
Mới đây, công ty cũng vừa công bố thông tin bất thường trong đó HAGL đã thông qua việc nhận chuyển nhượng cổ phần CTCP Gia súc Lơ Pang và biến doanh nghiệp này trở thành công ty con của kể từ ngày 31/3/2022.
Được biết, thông tin này đã được ĐHCĐ thông qua trong đó Gia súc Lơ Pang hoạt động song song với Chăn nuôi Gia Lai, nếu Chăn nuôi Gia Lai là phía đông thì Gia súc Lơ Pang là đảm nhận phía Nam. Làm chung sẽ không hiệu quả nên HAGL tách ra hai đơn vị. Gia súc Lơ Pang hiện định giá đâu đó 2.000 tỷ đồng, công ty này đang nuôi sản lượng heo 10.000 con và 1.600 ha chuối.
Nhóm cổ đông đề nghị IPO 3 mảng kinh doanh
Ở một diễn biến mới nhất, nhóm cổ đông HAGL vừa có kiến nghị nhằm gia tăng tối đa quyền lợi cổ đông tại ĐHCĐ thường niên sắp diễn ra vào ngày 8/4/2022 tới đây.
Cụ thể, nhóm cổ đông kiến nghị ban lãnh đạo công ty đưa nội dung tách bạch chức năng nhiệm vụ và tiến tới IPO 3 công ty con vào nghị quyết ĐHCĐ 2022 bao gồm: Tổng Công ty Chăn nuôi và Chế biến sâu thịt heo (bò, dê...), Tổng Công ty Trồng trọt và Chế biến trái cây và Tổng Công ty Thể thao.
Theo nhóm cổ đông, lý do thôi thúc làm việc này là để sớm mang lại lợi ích to lớn cho nhà đầu tư vào cổ phiếu HAGL, đặc biệt nhấn mạnh tiềm năng và tài sản của HAGL để thị trường hiểu.
Song song, sẵn sàng phát hành riêng lẻ đối với các công ty này nếu có đối tác trả giá cao; cũng như khi có HAGL đủ điều kiện thì trả cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu các công ty này thay vì trả tiền mặt.
Riêng với mảng nông nghiệp, việc tách bạch và IPO theo nhóm cổ đông có thể giúp HAGL tận dụng các ưu đãi chuyên biệt cho mảng nông nghiệp như lãi vay, trái phiếu quốc tế…
"Chúng tôi tin tưởng khi các Tổng Công ty trên đạt mức 1 triệu heo/năm kèm theo giết mổ và chế biến sâu thịt heo Bapi, cùng với 20.000 ha trái cây và chuỗi nhà máy chế biến trái cây sau thu hoạch sẽ đêm lại giá trị thị trường là rất to lớn", kiến nghị ghi.
Được biết, HAGL từ năm 2022 theo bầu Đức sẽ chỉ tập trung làm 1 cây – 1 con. Tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có là cây chuối, HAGL ra mắt thương hiệu heo BAPI – được nuôi hữu cơ bằng chuối (chiếm 40% thành phần cám gạo hiện nay), chất lượng riêng biệt đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cấp, khắt khe của người tiêu dùng. Trước đó, nhằm để thị trường tự cảm nhận hương vị thịt, HAGL đã bán "demo" 10 tấn và lập tức cháy hàng chỉ sau 2 tiếng lên kệ.