Rau chợ "đội lốt" thương hiệu VietGAP: Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương vào cuộc

23-09-2022 16:33|Phương Linh

Lực lượng quản lý thị trường sẽ mở đợt kiểm tra diện rộng nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh rau, củ, quả không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Sau thông tin báo chí phản ánh về tình trạng nhiều người dân phải trả giá cao để mua "rau an toàn" và "đạt chuẩn VietGAP" tại các siêu thị, nhưng thực tế một số công ty lại đi gom rau ở chợ đầu mối, dán nhãn VietGAP rồi bán cho siêu thị, 2 bộ liên quan là Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã vào cuộc để làm sáng tỏ tình trạng này, tìm giải pháp ổn định thị trường, cũng như ngăn chặn tình trạng "treo đầu dê bán thịt chó" đối với rau dán nhãn VietGAP vốn được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng.

Liên quan đến thông tin rau, nấm được nhà cung cấp gom từ chợ đầu mối về gắn mác VietGAP bán vào siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đại diện Bách Hóa Xanh cho biết, đơn vị này đã thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp là CTCP Sản xuất thương mại Đông A.

Còn WinCommrce xác nhận lượng hàng hóa Công ty Trình Nhi cung ứng rất nhỏ, chỉ chiếm 0,19% tổng sản lượng rau của toàn bộ hệ thống bán lẻ. Ngay lập tức chuỗi siêu thị này đã ngừng nhập và rút toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này ra khỏi quầy kệ để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Liên quan vấn đề này, đại diện các nhà bán lẻ cho rằng các nhà phân phối cần hạn chế mua hàng của đối tác trung gian, thay vào đó cần làm việc trực tiếp với các cơ sở cung cấp như trang trại, hợp tác xã, với lượng hàng phù hợp dựa trên sản lượng họ thông báo.

"Tôi cũng mong muốn cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương cần có sự kiểm tra kiểm soát, giám sát tại địa phương mới có thể quản lý được cơ sở sản xuất, hợp tác xã sản xuất, cơ sở chế biến một cách tốt nhất", bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết.

Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đã yêu cầu 12 đơn vị có đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận VietGAP trong thời hạn 5 ngày phải báo cáo lại quá trình hoạt động cấp phép của mình và sẽ tiến hành thanh tra đột xuất, nếu có sai phạm sẽ bị xử lý.

Bộ NN&PTNT cũng đề xuất giữa các nhà bán lẻ và Bộ cần kết hợp với nhau để kiểm tra, kiểm soát đưa các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vào các kênh bán lẻ, tránh xảy ra những tình trạng tương tự trong tương lai.

"Hợp tác người sản xuất lại, liên kết người sản xuất với doanh nghiệp, minh bạch, tôi cần hàng hóa đó bao nhiêu. Nhà nước đứng phía sau kiểm tra, giám sát xem có đáp ứng đúng chuẩn mực không", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Lực lượng quản lý thị trường cho biết sẽ mở đợt kiểm tra diện rộng nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh rau, củ, quả không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Loạt siêu thị lên tiếng nhận trách nhiệm

Sau khi sự việc trên được phanh phui, cả ba hệ thống phân phối Winmart, TikiNGON và 3 Sạch đã lên tiếng xin lỗi khách hàng, đồng thời kiểm tra nguồn hàng và ngừng nhập rau của các doanh nghiệp cung cấp vi phạm như: Trình Nhi, Đông A, HugoFram...

Đồng thời cả Winmart, TikiNGON, WinCommerce (WCM, thuộc tập đoàn Masan) đã có phản hồi về sự việc. Theo đó, WinCommerce cho biết đã ngừng nhập và rút toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp Trình Nhi khỏi quầy kệ và yêu cầu nhà cung cấp Trình Nhi giải trình vi phạm cam kết về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm theo hợp đồng cung cấp hàng hóa đã ký kết với WinCommerce.

WinCommerce cũng khẳng định đây không phải chủ trương kinh doanh của công ty. WinCommerce luôn tuân thủ đầy đủ quy định vệ sinh an toàn thực phẩm với quy trình kiểm soát chất lượng hàng hóa khắt khe nhằm đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng. Ngoài làm việc với Trình Nhi, WinCommerce cũng đang tiến hành rà soát lại toàn bộ các nhà cung cấp rau khác.

Tập đoàn Masan cũng nhấn mạnh, sự việc trên là vi phạm cam kết hợp đồng của nhà cung cấp nhưng WinCommerce nhìn nhận một phần trách nhiệm và sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ các nhà cung cấp rau khác. Đồng thời, sẽ rà soát, tăng cường, siết chặt thêm các biện pháp kiểm soát chất lượng hàng hóa.

Doanh nghiệp "mua" giấy chứng nhận VietGAP sẽ bị xử lý thế nào?

Chủ thương hiệu thịt heo Vietgap 'quay xe phút chót' khi điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận giảm tới 24%

Loại hạt quý của Sơn La khiến lãnh đạo ngành nông nghiệp cũng phải nhờ mua

HTX trồng na khổng lồ trên núi cao: Một năm lãi 120 tỷ, 26 hộ dân chia nhau

Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Rau chợ "đội lốt" thương hiệu VietGAP: Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương vào cuộc
POWERED BY ONECMS & INTECH