Rổ VN30 không còn cổ phiếu trên 100.000 đồng: Đâu là những mã triển vọng?
Sau các đợt tăng vốn và động thái chốt lời ngắn hạn, tại thời điểm phiên 25/9, danh mục cổ phiếu VN30 chính thức không còn mã nào có giá trên 100.000 đồng.
Ngày 25/9 vừa qua, Tổng CTCP Khí Việt Nam - PV GAS (Mã GAS) đã chốt danh sách cổ đông thực hiện phát hành cổ phiếu tăng vốn tỷ lệ 20% (người sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 20 cổ phiếu mới). Số lượng phát hành dự kiến là 382,79 triệu cp.
Trước ngày chốt quyền, cổ phiếu GAS có nhịp tăng ấn tượng 12,7% chỉ trong 1 tháng, kết phiên 19/9 tại mức 110.000 đồng/cp. Sau phiên giao dịch không hưởng quyền để thực hiện tăng vốn (ngày 22/9), mức giá này điều chỉnh về còn 91.670 đồng/cp.
Như vậy, sau đợt tăng vốn của PV GAS, rổ cổ phiếu VN30 không còn bất kỳ mã nào có giá trên 3 chữ số.
Tại thời điểm 11h phiên 27/9, cổ phiếu GAS đang giảm 0,9% về mức 88.000 đồng (giá sau điều chỉnh), mã có thời điểm giảm gần 3,2% về mốc 86.000 đồng.
Hiện cổ phiếu GAS đang trong trạng thái tích lũy với hỗ trợ gần nhất tại mức 87.400 đồng |
Trước GAS, một cổ phiếu VN30 khác cũng điều chỉnh về dưới mốc 100.000 đồng/cp là trường hợp SAB của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Cụ thể ngày 15/9, Sabeco đã chốt danh sách cổ đông thực hiện thưởng cổ phiếu tỷ lệ 100% (người sở hữu 1 cổ phiếu được thưởng 1 cổ phiếu mới). Số lượng phát hành thêm là 641 triệu cp. Sau phát hành, vốn điều lệ của ông lớn ngành bia cũng tăng gấp đôi lên mức 12.825 tỷ đồng.
Ngay trước ngày giao dịch không hưởng quyền, cổ phiếu SAB có giá 166.800 đồng/cp - cao nhất nhóm VN30. Trong ngày giao dịch không hưởng quyền (14/9), cổ phiếu Sabeco điều chỉnh về 83.400 đồng/cp.
Trường hợp khác là VCB của Vietcombank cũng điều chỉnh (pha loãng) từ mức đỉnh lịch sử 106.500 đồng/cp về 90.180 đồng/cp (phiên 19/7) sau khi nhà băng này chốt danh sách cổ đông phát hành 856,6 triệu cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 18,1% ngày 26/7.
Trong khi đó, trường hợp của cổ phiếu FPT lại đến từ áp lực chốt lời sau nhịp tăng mạnh 50% từ cuối tháng 4 lên mức 99.000 đồng/cp hồi đầu tháng 9. Ngay sau đó, mã đã tích lũy và điều chỉnh trở lại trong 1 tuần trở lại đây.
Phiên 7/9, có thời điểm cổ phiếu nhà Chủ tịch Trương Gia Bình tăng vượt mốc 100.000 đồng trước khi đóng phiên giảm 1,1% còn 97.900 đồng thị giá.
Kết phiên sáng 27/9, cổ phiếu FPT giảm 2,8% về 90.900 đồng với thanh khoản tăng đột biến 3,1 triệu đơn vị; phe bán chủ động chiếm áp đảo với 72,3% so với mức 24,5% ở chiều ngược lại.
Tạm tính sau 5 phiên, mã giảm 7,7%.
Một cổ phiếu khác cũng đang giao dịch ngay sát mốc 100.000 đồng/cp là VJC của CTCP Hàng không Vietjet. Kết phiên sáng 27/9, mã trước áp lực bán áp đảo trên toàn thị trường, cổ phiếu Vietjet Air bước vào giờ nghỉ tăng 0,4% lên mức 98.400 đồng; thanh khoản tăng mạnh với 0,85 triệu cp trong đó bên mua chủ động chiếm tới 86,7% khối lượng giao dịch.
Kể từ phiên giảm mạnh 2,9% cách đây 2 tuần, cổ phiếu VJC hiện vẫn giao dịch dưới mốc 100.000 đồng thị giá.
Xét tổng thể cổ phiếu trong danh mục VN30, sự trở lại của cổ phiếu Hàng không Vietjet trên mốc 100.000 đồng/cp là hoàn toàn hiện hữu trong bối cảnh nhu cầu bay trong nước và quốc tế đang hồi phục tích cực và kết quả kinh doanh của VJC cũng khả quan hơn trong các quý gần đây.
Trên đồ thị kỹ thuật, cổ phiếu VJC vẫn đang được hỗ trợ bởi vùng giá 97.x đồng. Mã hiện cũng đang áp sát trở lại kháng cực EMA50 (mốc 98.7) đồng thời RSI cải thiện hơn từ mức trung tính 50 điểm.
Trong khi đó, cổ phiếu FPT dù đang có xu hướng điều chỉnh về hỗ trợ đường MA50 quanh mốc 98.6x đồng song câu chuyện của FPT vẫn đến từ triển vọng trung/dài hạn khi đây là một trong số ít cổ phiếu tăng trưởng kể từ khi lên sàn (xét ở các chỉ số về kết quả kinh doanh, chia cổ tức và biến động giá cổ phiếu).
Với cổ phiếu SAB của Sabeco, trước mắt, nhà đầu tư khó có thể kỳ vọng về sự bứt phá của cổ phiếu đầu ngành nước giải khát trong bối cảnh tình hình kinh doanh của công ty có dấu hiệu chững lại trước áp lực cạnh tranh gay gắt về thị phần với Heineken.
Còn nhớ tại ĐHCĐ thường niên 2023, ông Phan Đăng Tuất - cựu Chủ tịch HĐQT SAB từng chia sẻ: "Thời chúng tôi làm, Sabeco luôn dẫn đầu và Heineken chỉ đứng thứ hai".
SAB kết phiên sáng 27/9 giảm 1,7% còn 74.000 đồng - mức thấp nhất sau gần 15 tháng |
Sau 6 tháng với ghi nhận doanh thu giảm, giá vốn bán hàng tăng, chi phí hoạt động khổng lồ và tác động từ chính sách thuế, tham vọng tăng trưởng kinh doanh năm 2023 của Sabeco bị đặt dấu hỏi lớn.
Với 2 cổ phiếu còn lại, trường hợp của cổ phiếu GAS vẫn còn là ẩn số trong khi VCB phụ thuộc nhiều vào ý chí của các dòng tiền siêu cá mập...
Xem thêm: Sabeco (SAB): Mỗi ngày "đốt" 13,4 tỷ cho chi phí quảng cáo - khuyến mãi, hiệu quả vẫn biệt tăm
Một cổ phiếu VN30 bị khối ngoại bán ròng gần 6.900 tỷ đồng
Kéo trụ ngân hàng, VN-Index bật tăng 12 điểm trong phiên đáo hạn phái sinh