Năm 2023, Koji lên kế hoạch doanh thu 250 tỷ đồng và lãi sau thuế 63,7 tỷ. Kết quý 1, KPF báo doanh thu vỏn vẹn 1 tỷ đồng.
Ông Vũ Ngọc Hoàng - cựu Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư tài sản Koji (Mã KPF - HOSE) thông báo đã hoàn tất bán hơn 3,8 triệu cổ phiếu KPF (tương đương 6,27% vốn) trong ngày 9/5/2023 qua đó giảm lượng sở hữu về 0 đồng thời không còn là cổ đông tại công ty.
Theo giá đóng cửa cổ phiếu KPF phiên này là 9.090 đồng, ước tính vụ cựu Chủ tịch có thể thu về số tiền gần 35 tỷ đồng sau giao dịch.
Ghi nhận tại Biên bản Nghị quyết ĐHCĐ thường niên 2023, công ty đang có 820 cổ đông - nắm giữ hơn 57 triệu cổ phiếu KPF. Thời điểm đó, ông Hoàng cùng với 4 cá nhân/tổ chức khác đang là những cổ đông lớn tại Koji với tổng tỷ lệ sở hữu chiếm hơn 52% vốn công ty.
TÊN CỔ ĐÔNG | SỐ CỔ PHIẾU | TỶ LỆ % | TÍNH ĐẾN NGÀY |
CTCP PAC Quốc tế | 12.920.800 | 21,23 | 7/3/2023 |
Lê Thị Như Thanh | 6.062.527 | 9,96 | 22/2/2023 |
Nguyễn Quang Huy | 6.043.600 | 9,93 | 20/2/2023 |
Thái Thị Hải Yến | 3.606.748 | 5,93 | 26/7/2022 |
Được biết, toàn bộ số cổ phiếu trên được ông Hoàng mua vào từ ngày 26/5/2022 - thời điểm cổ phiếu KPF đang giao dịch quanh mốc 13.500 đồng. Như vậy sau gần 1 năm nắm giữ, vị cữu lãnh đạo Koji đã chịu khoản lỗ hơn 30%.
Được biết ngày 25/4 vừa qua, HĐQT KPF đã ra quyết định bổ nhiệm ông Hoàng Văn Hậu giữ chức Chủ tịch HĐQT thay thế ông Vũ Ngọc Hoàng - người hồi cuối tháng 3 đã có đơn xin từ nhiệm với lý do cá nhân.
Cùng thời điểm, Koji cũng bổ nhiệm ông Lê Nguyễn Hải Đăng giữ chức Tổng Giám đốc thay thế bà Đinh Kim Nhung.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu KPF hiện giao dịch tại mức 9.600 đồng (đầu phiên sáng 11/5/2023). Tuy nhiên, nếu tính từ mức 13.900 đồng hồi cuối tháng 12/2022, đến nay mã đã giảm hơn 30% giá trị. Xa hơn, từ mức đỉnh 22.600 đồng ghi nhận trong phiên cuối tháng 8 năm ngoái, đến nay cổ phiếu KPF đã giảm 57,5%.
Tại Đại hội mới đây, cổ đông Nguyễn Bách Bảo Vinh cho biết: Giá cổ phiếu KPF hiện nay chỉ còn dao động ở mức giá 8.000 - 9.000 đồng - liên tục giảm so với mức giá vùng trên 21.000 đồng trước đó. Đề nghị HĐQT cho biết công ty đã có những kế hoạch nào để phục hồi giá trị cổ phiếu để đảm bảo lợi ích cho cổ đông?
Trả lời, bà Đinh Kim Nhung – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc (trước khi miễn nhiệm) cho biết: "Giá cổ phiếu suy giảm do tình hình thị trường chung và được quyết định bởi các yếu tố khách quan. Năm nay, HĐQT quyết định không triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ ngoài phương án chi trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Do đó sẽ tập trung vào việc cơ cấu lại tài sản, lựa chọn các phương án kinh doanh khả thi có doanh thu tốt, khả năng xoay vòng vốn nhanh, có biên lợi nhuận hợp lý nhưng an toàn để bảo toàn nguồn vốn chủ sở hữu và gia tăng giá trị sổ sách của cổ phiếu.
Để thực thi kế hoạch này, HĐQT đã lên phương án điều chỉnh và bổ sung các thành viên có năng lực và quyết tâm cao để thúc đẩy các phương án khả thi nhằm đem lại kết quả và lợi ích tốt nhất cho các cổ đông trong tương lai qua đó hy vọng giá cổ phiếu sẽ hồi phục và gia tăng".
Về kết quả kinh doanh, năm 2022, Koji ghi nhận doanh thu kiểm toán vỏn vẹn 2 tỷ đồng song lãi ròng tới 71,5 tỷ nhờ khoản lợi nhuận tài chính 85,6 tỷ đồng. Theo đó, công ty dự kiến trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 16%.
Năm 2023, công ty lên kế hoạch doanh thu 250 tỷ đồng và lãi sau thuế 63,7 tỷ.
Quý 1/2023, KPF báo doanh thu hoạt động ở mức 1 tỷ đồng (cùng kỳ trắng doanh thu); doanh thu tài chính đạt 9,8 tỷ giúp lợi nhuận ròng đạt 10,2 tỷ.
Đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Koji đạt 814 tỷ đồng; nợ phải trả chỉ ở mức 12,3 tỷ.
Koji (KPF): Chị gái Chủ tịch thoái vốn, nhà đầu tư cá nhân gom hơn 4 triệu cổ phiếu
Cổ đông lớn Tài Chính Hoàng Minh (KPF) thoái bớt 1,21 triệu cổ phiếu