Doanh nghiệp

Rót tỷ USD vào Masan Group, ông lớn Hàn Quốc gia hạn quyền chọn bán

Mạnh Hà 04/09/2024 14:56

Chaebol hàng đầu tại Hàn Quốc SK Group vừa có thỏa thuận gia hạn thời gian thực hiện quyền chọn bán với Masan Group thêm tối đa 5 năm, tiếp tục thương vụ tỷ USD tại doanh nghiệp của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang.

Đây được xem là một thỏa thuận “win-win” trong bối cảnh hiện nay, giúp tối đa hóa giá trị cho cổ đông và cũng cho thấy ông lớn Hàn Quốc tin vào triển vọng lợi nhuận của Masan Group của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang.

Sáng 4/9, CTCP Tập đoàn Masan (MSN) công bố thông tin cho biết, SK Group của Hàn Quốc và tập đoàn này đã thống nhất gia hạn thời gian thực hiện quyền chọn bán của SK Group với Masan Group thêm tối đa 5 năm.

Hôm 24/6, Tập đoàn Masan phủ nhận thông tin ông lớn SK Group thực hiện quyền chọn bán cổ phần tại doanh nghiệp này sau khi tờ Maeil Business Newspaper của Hàn Quốc có bài báo đề cập tới việc SK Group “đã thực hiện quyền chọn bán (quyền bán cổ phiếu) để bán 9% cổ phần sở hữu tại Masan Group”.

SK Group trở thành cổ đông lớn của Masan từ năm 2018 và nắm giữ quyền chọn bán cổ phần cho MSN vào năm 2024. Khi đó, ông lớn Hàn Quốc đã chi ra 530 tỷ won (khoảng gần 11.000 tỷ đồng) để mua 9,5% vốn của Masan Group.

Là một phần của khoản đầu tư chiến lược, SK Group sau đó cũng đầu tư vào WinCommerce (WCM) - mảng bán lẻ của Tập đoàn Masan - với 16,3% cổ phần và vào The CrownX - nền tảng tích hợp tiêu dùng bán lẻ của Masan (hợp nhất WCM và Masan Consumer Holdings) với 4,9% cổ phần.

Cụ thể, giữa tháng 11/2021, SK Group thông qua công ty con là SK South East Asia Investment đã mua lại 16,3% cổ phần của WinCommerce với giá 460 tỷ won (410 triệu USD). Sau đó, SK Group tiếp tục đầu tư 340 triệu USD để sở hữu 4,9% cổ phần của The CrownX. Masan nắm 85% cổ phần tại The CrownX.

The CrownX được thành lập năm 2019, trên cơ sở hợp nhất các mảng thực phẩm và đồ uống của Masan với mảng bán lẻ WinCommerce.

NguyenDangQuang 2.jpg
Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang. Ảnh: MSN

Như vậy, tổng cộng ông lớn Hàn Quốc đã đầu tư cả tỷ USD vào Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang. Đây cũng là khoản đầu tư lớn nhất của chaebol tại một doanh nghiệp Việt, với kỳ vọng vào sự bứt phá công ty hàng đầu trong lĩnh vực tiêu dùng - bán lẻ ở thị trường 100 triệu dân.

Là một trong những doanh nghiệp trụ cột trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trong quý II/2024, Masan báo lãi cao nhất gần hai năm dù đây là quý thấp điểm. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 950 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ 2023.

Mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ của Masan phục hồi ấn tượng. Doanh thu thuần quý II của tập đoàn đạt hơn 20,1 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ.

Tháng 6-7 năm 2024, WinCommerce ghi nhận lợi nhuận ròng dương nhờ doanh thu tăng nhanh và mở rộng thành công các mô hình cửa hàng mới. Điều này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chiến lược bán lẻ của WCM khi mang lại lợi nhuận bền vững.

Bà Nguyễn Thị Phương, Tổng giám đốc WinCommerce, cho hay, đây là cơ hội để WinCommerce cải thiện biên lợi nhuận đáng kể trong quý III và bắt đầu đóng góp vào lợi nhuận chung của tập đoàn. Trong tháng 7, doanh thu của các cửa hàng minimart tăng 4% so với tháng 6. Các con số có thể tích cực hơn vào mùa mua sắm sôi động cuối năm và cả năm.

Theo thỏa thuận vừa đạt được, SK Group sẽ chuyển nhượng 7,1% cổ phần WinCommerce cho Masan Group với giá 200 triệu USD. Việc gia tăng sở hữu tại WCM giúp MSN tăng cường khả năng kiểm soát và thúc đẩy tăng trưởng của hoạt động kinh doanh cốt lõi trong dài hạn.

WCM là công ty sở hữu và vận hành chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam, với hơn 130 siêu thị WinMart và hơn 3.600 siêu thị mini WinMart+/WiN.

Là một phần trong chiến lược đầu tư, Masan sẽ nhận quyền mua số cổ phần còn lại của SK Group tại WCM trong tương lai với giá gốc SK đầu tư. Việc chuyển nhượng một phần cổ phần sở hữu tại WCM giúp SK Group ghi nhận lợi nhuận, đồng thời tiếp tục đầu tư dài hạn vào MSN với việc gia hạn quyền chọn bán.

Hoạt động này nằm trong kế hoạch tái cơ cấu danh mục đầu tư thường kỳ của Masan.

SK Group là một trong những tập đoàn kinh tế gia đình hàng đầu Hàn Quốc, liên tục đổ vốn vào Việt Nam không chỉ ở lĩnh vực ngân hàng tài chính, bất động sản, mà cả các ngành quan trọng khác như tiêu dùng nhanh, dược phẩm... Triển vọng và sự ổn định của Việt Nam được xem là yếu tố hút dòng vốn Đông Bắc Á.

Theo giới quan sát, Việt Nam chứng kiến làn sóng thứ tư của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam, ban đầu dệt may, sau đó là điện tử và tiêu dùng bán lẻ, tài chính và fintech.

Tuy nhiên, gần đây, dòng vốn ngoại có dấu hiệu rút bớt ra khỏi Việt Nam. Từ đầu năm tới nay, khối ngoại đã bán ròng gần 3 tỷ USD cổ phiếu Việt. Tính từ năm 2020 tới nay, giá trị bán ròng còn lớn hơn nhiều, xóa hết thành quả từ trước tới nay.

>>Tự tin vào triển vọng lợi nhuận của Masan Group, SK Group gia hạn quyền chọn bán

Tự tin vào triển vọng lợi nhuận của Masan Group, SK Group gia hạn quyền chọn bán

Masan (MSN) nhận chuyển nhượng 7,1% cổ phần WinCommerce (WCM) từ SK Group với giá 200 triệu USD

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/rot-ty-usd-vao-masan-group-ong-lon-han-quoc-sk-group-gia-han-quyen-chon-ban-2318297.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Rót tỷ USD vào Masan Group, ông lớn Hàn Quốc gia hạn quyền chọn bán
POWERED BY ONECMS & INTECH