Sabeco (SAB) xác lập một kỷ lục... buồn!
Đã hơn 4 năm kể từ lần cuối cổ phiếu Sabeco (SAB) giao dịch ở ngưỡng sáu chữ số, đến nay, câu hỏi "Có khả năng nào để giá cổ phiếu SAB tăng lên 100.000 đồng thêm một lần nữa?" vẫn chưa có câu trả lời.
Khối ngoại bán ròng kỷ lục
Kết phiên giao dịch ngày 8/7, cổ phiếu SAB của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (sàn HoSE) giảm 2,8% - mức giảm mạnh nhất nhóm VN30. Mã nằm trong Top 3 cổ phiếu tiêu cực nhất thị trường, lấy đi của VN-Index gần 0,5 điểm.
Diễn biến giá cổ phiếu SAB kể từ khi niêm yết cuối năm 2016 |
Hơn 4,5 triệu cổ phiếu Sabeco đã được sang tay - mức cao nhất kể từ tháng 10/2020; 69% trong số này được bán ra chủ động. Đáng nói, lực bán chính được ghi nhận từ khối ngoại với khối lượng bán ròng gần 3,5 triệu đơn vị, giá trị 192 tỷ đồng. Đây là mức bán kỷ lục kể từ khi SAB niêm yết hồi cuối năm 2016.
Phiên xả ròng mạnh của khối ngoại là điều không thường thấy ở cổ phiếu Sabeco suốt 8 năm qua. Thực tế, lực mua/bán ròng trung bình ở cổ phiếu này chỉ đạt từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đơn vị/phiên.
>> Nghị định 100 'đánh gục' Bia Hà Nội (Habeco)
Là cổ phiếu VN30 có tỷ lệ sở hữu của nước ngoài cao nhất (60,8% vốn), đồng thời là doanh nghiệp VN30 duy nhất đang được điều hành bởi cổ đông công ty mẹ đến từ nước ngoài (Công ty TNHH Vietnam Beverage thuộc Tập đoàn ThaiBev - Thái Lan nắm 53,59% vốn), room ngoại tối đa ở Sabeco lên tới 100%. Điều này đồng nghĩa, các nhà đầu tư ngoại quốc có thể gom thêm gần 503 triệu cổ phiếu SAB nữa.
Quan sát diễn biến giao dịch ở cổ phiếu ngành nước giải khát này trong một tháng qua, nhóm tự doanh và khối ngoại là bên bán ra chủ đạo trong khi dòng tiền tổ chức và nhà đầu tư cá nhân là bên mua ròng đối ứng.
Cá nhân là bên tích cực mua vào cổ phiếu SAB trong một tháng gần nhất |
Gần 7 năm, vốn hóa giảm 60%
Sau 3 phiên giảm liên tiếp (-5,1%), Sabeco mất gần 4.000 tỷ đồng vốn hóa, hiện còn hơn 72.300 tỷ đồng. Tròn một tháng điều chỉnh, cổ phiếu SAB giảm 14,1%, vốn hóa "bốc hơi" gần 11.900 tỷ đồng, tụt xuống vị trí 22 trong Top vốn hóa trên thị trường chứng khoán.
Sau nhịp điều chỉnh, cổ phiếu SAB bước vào xu hướng tiêu cực ngắn/trung hạn; chỉ báo RSI về dưới mốc 40 điểm; giá cổ phiếu rơi khỏi hỗ trợ MA20-50, EMA50-200. Mã hiện chỉ còn cách vùng đáy lịch sử hồi tháng 4/2024 mức giảm chỉ hơn 10%.
Sắp tròn 7 năm kể từ ngày nhóm cổ đông ThaiBev chấp nhận "đu đỉnh" để tiếp quản Sabeco, đến nay cổ phiếu SAB đã giảm tới 60% giá trị. Kể từ phiên 22/1/2020, đã 4,5 năm cổ phiếu của "ông lớn" ngành bia chưa thể quay lại mốc 100.000 đồng (giá sau điều chỉnh).
Tại ĐHCĐ thường niên hồi cuối tháng 4/2024, đây cũng là nỗi niềm được cổ đông đem ra chất vấn. Theo đó, cổ đông hỏi: "Có khả năng nào để giá cổ phiếu SAB tăng lên 100.000 đồng một lần nữa không?".
Phúc đáp, lãnh đạo Sabeco cho biết: "Thật không may, hầu hết giá cổ phiếu của các công ty trên thế giới đều giảm đáng kể do tình hình chính trị và kinh tế vĩ mô.
Về vấn đề giá cổ phiếu, vì chúng tôi không thể kiểm soát được các yếu tố tác động bên ngoài nên sẽ tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Nếu Sabeco hoạt động tốt, giá cổ phiếu sẽ tăng và mang lại lợi ích cho tất cả các cổ đông".
Biến động nghìn tỷ, gà đẻ trứng vàng Sabeco ra sao trong tay tỷ phú Thái?
Heineken, Sabeco, Habeco đóng góp bao nhiêu cho ngân sách các địa phương?