Trong vài tháng tới, việc lựa chọn các cổ phiếu phòng thủ vẫn sẽ là một trong các ưu tiên của nhà đầu tư khi tìm kiếm cổ phiếu. Dù vậy, nhà đầu tư cần phải quan tâm hơn đến yếu tố định giá để hạn chế mua vào các cổ phiếu bắt đầu có mức định giá thiếu hợp lý.
Sau tuần lao dốc của VN-Index từ 20 - 24/6/2022, ông Nguyễn Thanh Lâm đến từ CTCK MayBank KimEng (MBKE) đánh giá, trong thời gian tới thị trường sẽ vẫn cần có thêm các đợt kiểm tra "thực chất" hơn khi chỉ số hồi phục thêm lên vùng giá cao hơn để đánh giá liệu bên mua đã bắt đầu giành lại lợi thế hay chưa. Ông Lâm cũng cho rằng diễn biến của tuần qua vẫn là một sự cải thiện nhỏ dành cho chỉ số, tâm lý thị trường đã tốt hơn đôi chút.
Trong một bối cảnh mà các rủi ro, đặc biệt thế giới vẫn đang ở mức khó lường cùng với việc nhà đầu tư cá nhân đã phải trải qua nhiều cú sốc lớn về mặt tâm lý sau giai đoạn giảm mạnh từ đầu tháng 4, chắc chắn mức độ tham gia thị trường của một bộ phận nhà đầu tư đặc biệt là nhóm khách hàng cá nhân sẽ có sự giảm sút đáng kể trong thời điểm hiện nay. Sự hoài nghi và thận trọng về tương lai ngắn hạn của thị trường vẫn là rất lớn. Do đó hiện tượng thanh khoản thấp có thể vẫn sẽ tiếp tục trong giai đoạn tới đây cho đến khi có thêm các tín hiệu khởi sắc rõ nét hơn.
"Trong trạng thái thanh khoản thấp vẫn còn tiếp diễn, nhà đầu tư ẽ cần có chiến lược giao dịch thận trọng và linh hoạt; chỉ nên thực hiện với một mức tỷ trọng nhỏ và linh hoạt nương theo dòng tiền để hoán chuyển một cách nhanh chóng giữa các dòng cổ phiếu với nhau. Nhìn chung, đây vẫn sẽ là giai đoạn chưa dễ dàng tạo lợi nhuận tốt cho các hoạt động giao dịch ngắn hạn", ông Lâm nhận định.
Mặt khá, về việc quỹ ETF mới của KIM ra đời, ông Lâm đánh giá việc có thêm các quỹ ETFs sẽ là điều tốt dành cho thị trường từ đó cung cấp thêm cho nhà đầu tư các lựa chọn. Trên cái nhìn tổng quan, trong hơn 2 năm qua, nhóm các quỹ ETFs cũng là nhóm thành công nhất trong việc huy động thêm tiền.
Với việc mô phỏng theo VNFINSELECT thì chỉ số mới này được cấu thành bởi phần lớn các là cổ phiếu ngân hàng (hơn 90%) và sau đó là nhóm chứng khoán (hơn 8%). Cá nhân ông đánh giá ảnh hưởng của quỹ mới này trong giai đoạn đầu sẽ còn khiêm tốn. Nguyên nhân được chỉ ra rằng quy mô vốn hóa của nhóm cổ phiếu ngân hàng là lớn nhất thị trường, và sự tác động lên diễn biến giá của nhóm này sẽ là không lớn.
Bên cạnh đó, đối với một giai đoạn nhiều rủi ro khó lường như hiện nay, các cổ phiếu phòng thủ cũng là một lựa chọn hợp lý.
"Cổ phiếu phòng thủ theo quan điểm của tôi là cổ phiếu của các doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh vẫn tương đối ổn định và ít chịu ảnh hưởng từ các thay đổi trong môi trường kinh tế trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, cổ phiếu phòng thủ cũng có thể hiểu là các cổ phiếu có diễn biến giá ổn định, ít có sự tương quan lớn đến chỉ số của thị trường", ông Lâm nêu rõ.
Trong vài tháng tới, việc lựa chọn các cổ phiếu phòng thủ vẫn sẽ là một trong các ưu tiên của nhà đầu tư khi tìm kiếm cổ phiếu. Dù vậy, nhà đầu tư cần phải quan tâm hơn đến yếu tố định giá để hạn chế mua vào các cổ phiếu bắt đầu có mức định giá thiếu hợp lý.
Theo ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm vĩ mô - thị trường CTCK BIDV (BSC), thị trường thời điểm hiện tại tồn tại rủi ro hệ thống khá cao do vậy việc đa dạng hóa danh mục, duy trì tài sản có tính rủi ro ở mức vừa phải và định hướng dài hạn luôn được đề cao. Việc định giá của thị trường và những cổ phiếu lớn giảm về mức hấp dẫn cũng không đồng nghĩa với việc sinh lời trong ngắn hạn khi biến động giá trong nước và quốc tế vẫn rất khó lường cùng với sự thận trọng của dòng tiền.
Vị này cho rằng, việc duy trì tỷ trọng danh mục đầu tư rủi ro ở mức vừa phải, tăng tỷ trọng tiền mặt hoặc tương đương tiền để đề phòng các biến động ngắn hạn vẫn là lựa chọn phù hợp tại thời điểm hiện tại.
Trong trường hợp lựa chọn danh mục đầu tư rủi ro, các nhóm cổ phiếu có triển vọng tốt trong trung dài hạn như công nghệ thông tin, tiêu dùng.
Ngoài ra, các nhóm có tính phòng thủ như hàng tiêu dùng thiết yếu, điện nước, dược thiết bị y tế và giáo dục cũng cần lưu tâm trong trường hợp các nền kinh tế chủ chốt thế giới bước vào suy thoái.
Ông Vũ Minh Đức - Trưởng phòng Cao cấp Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC) nhấn mạnh, định giá của nhiều cổ phiếu bluechip đã trở nên rất hấp dẫn trong tầm nhìn dài hạn. Các cổ phiếu này không phân bổ ở 1 - 2 ngành nhất định và trải rộng ra nhiều nhóm ngành khác nhau như ngân hàng, bất động sản, hàng tiêu dùng, công nghiệp, tiện ích... Tuy nhiên, khi lựa chọn chiến lược này, nhà đầu tư cần phải có một kế hoạch phân bổ dòng tiền để có thể nắm giữ các cổ phiếu đã mua trong 3 năm, 5 năm hoặc lâu hơn.
Đối với các nhà đầu tư ngắn hạn, theo ông Đức, dù chưa rõ ràng nhưng thị trường đã hé lộ những tia sáng cho một giai đoạn hồi phục.
Bày tỏ ý kiến cá nhân, bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích, CTCK VNDirect (VND) phân tích, về dài hạn cầu nội địa phục hồi sẽ thúc đẩy các ngành bán lẻ, thực phẩm& đồ uống (F&B) và du lịch (bao gồm hàng không) tăng trưởng mạnh hơn các ngành khác. Đây là cơ hội tích lũy những cổ phiếu của các doanh nghiệp F&B cũng như 1 số cổ phiếu ngành hàng không có báo cáo tài chính lành mạnh, cổ tức đều đặn với định giá hấp dẫn.
Thêm vào đó là câu chuyện đẩy mạnh đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng. Tôi cho rằng, nhóm ngành phát triển hạ tầng năng lượng sẽ chiếm ưu thế chính.
Ngoài ra, nhóm năng lượng sạch cũng sẽ là lựa chọn thích hợp trong dài hạn. Với xu hướng ngày càng nhiều các quỹ đầu tư ESG (Environmental, Social, and Governance) nổi lên trên thế giới và trong khu vực, Việt Nam cũng sẽ là 1 điểm đến của dòng vốn “xanh” này. Lúc đó, định giá của nhóm cổ phiếu năng lượng sạch, sẽ không còn rẻ như hiện nay nữa.
Cuối cùng, tôi cho rằng định giá của nhóm ngành ngân hàng hiện nay là khá hấp dẫn để tích lũy dài hạn.
Xây dựng câu chuyện đầu tư cho giai đoạn sắp tới, ông Lâm đánh giá cao bức tranh triển vọng về nhóm ngành sau:
Nhóm ngân hàng: Đây là nhóm cổ phiếu có vốn hóa cao nhất của thị trường, trong giai đoạn thị trường rơi mạnh vừa qua đã đưa định giá của nhóm ngành này về các mức rẻ hơn đáng kể. Kết hợp với tình hình kinh doanh được dự báo vẫn sẽ khả quan của nhóm này trong các quý tới đây, ông Lâm đánh giá các cổ phiếu ngân hàng có thể là một lựa chọn an toàn với rủi ro giảm giá sẽ không còn lớn và tiềm năng ở mức cao.
Nhóm khu công nghiệp: Quý III sẽ là giai đoạn phục hồi của ngành này. Quốc hội vừa thông qua chủ trương đầu tư dự án các đường cao tốc lớn sẽ là thông tin hỗ trợ tốt cho ngành. Thông thường thì điểm rơi lợi nhuận của nhóm khu công nghiệp sẽ rơi vào quý III, quý IV trong khi hai quý vừa qua chưa nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư và cũng có mức độ giảm giá đáng kể.
Nhóm bán lẻ, tiêu dùng: Thời điểm quý III năm trước, nhóm này có kết quả yếu nhất do ảnh hưởng từ việc phong tỏa vì dịch bệnh. Mặc dù có một số lo ngại về lạm phát sẽ ảnh hưởng nhất định lên sức mua, cá nhân ông cho rằng kết quả quý III năm nay của nhóm bán lẻ sẽ vẫn ấn tượng, đặc biệt khi so sánh với nền kết quả thấp của quý III năm ngoái.
Mốc 1.230 điểm cản bước VN-Index, khối ngoại mua ròng trở lại
Nhận định chứng khoán 22/11: Nhiều CTCK đồng thuận VN-Index lên 1.240 điểm