Sacombank (STB) nhìn từ dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư 14.600 tỷ đồng, nợ xấu tăng 155%
Kết quả kinh doanh năm 2023 của Sacombank (STB) gây ấn tượng với 9.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tuy vậy nợ xấu lại bất ngờ tăng đột biến.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – mã chứng khoán STB) công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với ấn tượng lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, tính riêng quý IV, lợi nhuận trước thuế đạt 2.754 tỷ đồng, tăng 45% so với năm trước đó; lợi nhuận sau thuế đạt 2.258 tỷ đồng, tăng 28,9%.
Tính chung cả năm 2023 lợi nhuận trước thuế đạt 9.595 tỷ đồng, tăng trưởng 51,3% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế Sacombank đạt 7.718 tỷ đồng, tăng trưởng 53,1% so với số lãi 5.040 tỷ đồng cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh qua các năm của Sacombank |
Đóng góp vào lợi nhuận của Sacombank là thu nhập lãi thuần, từ hoạt động dịch vụ, từ kinh doanh ngoại hối và cả chứng khoán đầu tư.
Lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 2.618 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ.
>> ‘So găng’ số nhà đầu tư yêu thích các ngân hàng: Chiến thắng thuộc về ai?
Thu nhập lãi thuần trong năm đạt 22.072 tỷ đồng, tăng 28,7% so với cùng kỳ, trong đó thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự đạt hơn 52.000 tỷ đồng. Trong năm Sacombank thu hơn 52.000 tỷ đồng từ lãi cho vay khách hàng và phải trả lãi suất huy động 31.474 tỷ đồng.
Tổng dư nợ cho vay khách hàng đến hết năm đạt 482.731 tỷ đồng, tăng 10% so với thời điểm đầu năm, trong đó chủ yếu là cho vay các tổ chức kinh tế và cá nhân trong nước. Đáng chú ý, nợ xấu nhóm 3, 4 và 5 tăng đột biến 155% lên gần 11.000 tỷ đồng, trong đó có 4.900 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn và gần 4.600 tỷ đồng nợ nghi ngờ. Tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh từ 0,98% cuối năm 2022 lên 2,27% đến cuối năm 2023 vừa qua. Tính dư nợ theo thời gian, nợ ngắn hạn đến 304.684 tỷ đồng, chiếm trên 63% tổng dư nợ cho vay khách hàng.
Tổng tiền gửi huy động của khách hàng đạt 510.744 tỷ đồng, tăng 12,3% so với đầu năm, trong đó tiền gửi không kỳ hạn 93.525 tỷ đồng, chiếm trên 18% tổng tiền gửi khách hàng.
Năm 2023 hoạt động kinh doanh ngoại hối mang về 1.100 tỷ đồng lợi nhuận, tăng nhẹ so với con số 1.062 tỷ đồng đạt được năm 2022.
Dư nợ cho vay khách hàng của Sacombank |
Ngoài ra, đóng góp vào lợi nhuận của Sacombank còn có hoạt động kinh doanh chứng khoán đầu tư với gần 34 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gần 20 tỷ đồng).
Tổng giá trị chứng khoán đầu tư đến cuối năm đạt 74.635 tỷ đồng, 8,5% so với đầu kỳ, trong đó chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán hơn 22.500 tỷ đồng và chứng khoán đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn hơn 52.086 tỷ đồng.
Chứng khoán đầu tư của Sacombank |
Trong số chứng khoán đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn có đầu tư chứng khoán Chính phủ hơn 17.600 tỷ đồng. Còn chứng khoán đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn hơn 52.086 tỷ đồng; trong đó riêng chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành đã là 16.432 tỷ đồng. Sacombank đã phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn 14.602 tỷ đồng.
Tổng tài sản của Sacombank tính đến cuối năm 2023 đạt 674.389 tỷ đồng, trong khi đó tổng nợ phải trả đạt 628.655 tỷ đồng.
>> Cổ phiếu ngân hàng được hưởng lợi hay chịu thiệt từ Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)?
Cơ cấu danh mục quỹ ETF cập nhật: Tâm điểm VHM, VPB, STB, MWG
Diễn biến cổ phiếu ngân hàng 22/1: Bất ngờ HDB, CTG, EIB và STB được khối ngoại 'gom ròng' mạnh