Sai lầm của người mẹ đập nát điện thoại khi phát hiện con xem nội dung xấu
Không thể bình tĩnh trước việc con xem phim nhạy cảm trong điện thoại, bà mẹ đã có phản ứng tiêu cực.
Sốc nặng khi phát hiện con xem nội dung xấu
Công nghệ phát triển, mạng xã hội có sức lan tỏa rộng rãi, trẻ em rất dễ tiếp cận những hình ảnh, video có nội dung không phù hợp với lứa tuổi. Trong bối cảnh đó, gia đình, nhà trường, cộng đồng có trách nhiệm giáo dục và bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Dẫu vậy, không phải bậc phụ huynh nào cũng biết cách ngăn chặn con cái tiếp xúc với những nội dung nhạy cảm và ngay cả khi chuyện đó xảy ra, không phải ai cũng biết cách phản ứng đúng đắn.
Khi con trai cả bước vào lớp 8, chị Nguyễn T.S. (35 tuổi, Vĩnh Phúc) mua cho con một chiếc điện thoại thông minh.
Chị từng lo ngại chuyện con mải xem phim, chơi game dẫn đến bỏ bê học hành nhưng vì con thường xuyên phải nhận thông báo từ thầy cô, nhà trường qua Facebook, Zalo nên vẫn để con dùng điện thoại.
Một lần lấy điện thoại của con để lướt Facebook, chị thấy hiện ra nhiều video có nội dung nhạy cảm. Chị tò mò vào mục tìm kiếm của Google thì sốc nặng khi thấy hàng loạt lượt tìm kiếm và cả những câu hỏi về chuyện phòng the.
“Tôi điếng người. Đứa con trai mới 13 tuổi của tôi sao có thể xem mấy thước phim này? Trong giây phút mất kiểm soát, tôi đập nát chiếc điện thoại của con, quát tháo ầm ĩ, quên luôn việc lúc đó trong nhà còn có các thành viên khác.
Thằng bé xấu hổ, lặng lẽ vào phòng khóa chặt cửa. Bữa tối hôm ấy, con nhất định không ra ăn cơm. Chồng tôi phải khuyên nhủ rất nhiều, mẹ con tôi mới có thể mở lòng với nhau”, chị S. kể.
Cơn nóng giận qua đi, chị nhận ra phản ứng và cách giải quyết của mình là sai lầm. Lẽ ra, chị nên bình tĩnh hơn để hỏi han, lắng nghe con rồi khuyên nhủ con làm những điều đúng đắn.
Và hơn thế, trước khi để con sử dụng điện thoại thông minh, chị nên lường trước ảnh hưởng tiêu cực có thể có, từ đó dùng các biện pháp ngăn chặn con tiếp xúc với những nội dung không phù hợp.
Cha mẹ cần ứng xử khéo léo
Ở lứa tuổi dậy thì, trẻ em có xu hướng tò mò về giới tính. Việc giáo dục giới tính cho con là điều các bậc cha mẹ nên làm trong suốt hành trình con lớn khôn.
Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân cho hay, nếu một ngày phát hiện con cái tò mò, xem những nội dung nhạy cảm, không phù hợp với lứa tuổi, phụ huynh nên có cách ứng xử khéo léo.
Nóng giận quát mắng, chì chiết,... là những phản ứng tiêu cực, dễ làm leo thang hành vi của con bởi theo tâm lý chung, “trái cấm bao giờ cũng ngọt”.
Khi bị bố mẹ quát mắng, trẻ có thể tạm ngưng hành vi nhưng trong lòng không phục, không thỏa mãn nhu cầu, càng không hiểu tại sao bị cấm. Chưa kể, trách móc, quát nạt, phê phán sẽ làm tổn thương tâm lý con trẻ.
Đó không phải là cách giáo dục phù hợp, đặc biệt đối với việc giáo dục giới tính cho trẻ đang ở tuổi mới lớn.
“Cha mẹ nên ngồi lại, ôn tồn hỏi: Lý do con xem phim nhạy cảm là gì? Ai chỉ cho con? Tần suất xem? Xem từ khi nào? Con cảm thấy ra sao?,... Khi nhẹ nhàng và khéo léo hỏi chuyện, phụ huynh có thể hiểu con hơn và tìm ra cách xử lý phù hợp.
Phụ huynh cần định hướng giáo dục cho con tốt hơn. Bên cạnh đó, cần cập nhật kiến thức, phương pháp giáo dục con cái thông qua đọc sách báo, tài liệu hoặc sự tư vấn của chuyên gia", thạc sĩ Lê Minh Huân chia sẻ.
Chuyên gia tâm lý nhấn mạnh, phụ huynh cần cởi mở chia sẻ với con về “bài học giới tính”, để con hiểu được việc xem quá nhiều phim nhạy cảm có thể ảnh hưởng đến cảm xúc, hành vi và sức khỏe sinh sản của con sau này.
“Cha mẹ cần giáo dục giới tính cho trẻ càng sớm càng tốt, giáo dục cần diễn ra thường xuyên, tuần tự và có đối chiếu với tâm lý lứa tuổi của trẻ.
Cha mẹ có thể tìm gặp các nhà chuyên môn hoặc tham gia các lớp học về giáo dục giới tính để cập nhật và nâng cao kỹ năng, kiến thức giáo dục con cái.
Đặc biệt, phụ huynh phải làm gương và luôn đồng hành cùng trẻ để việc giáo dục giới tính mang lại kết quả tốt nhất”, thạc sĩ Minh Huân nói.
Chuyên gia chỉ cách giúp trẻ bảo vệ bản thân trên môi trường mạng
Yêu sai người, mẹ đơn thân đẩy con gái vào tình cảnh đau lòng