Sân bay 40 tỷ USD đang chìm dần, hơn 30 năm nữa sẽ biến mất hoàn toàn dưới biển
Đến thời điểm hiện tại, sân bay đã lún hơn 11,5m.
Kansai International Airport (KIX) (Sân bay quốc tế Kansai) được xây dựng trên đảo nhân tạo tại Vịnh Osaka, Nhật Bản, được mệnh danh là kỳ quan kỹ thuật và biểu tượng của kiến trúc. Tuy nhiên, sân bay nổi này đang bị chìm dần xuống biển với tốc độ trung bình 0,3m mỗi năm. Đến thời điểm hiện tại, sân bay đã lún hơn 11,5m.
The Sun đưa tin, sân bay Kansai đang là mối lo ngại lớn bởi nó có thể bị chìm hoàn toàn dưới biển vào năm 2056. Ban đầu, các kỹ sư dự đoán trong 50 năm, công trình này sẽ chìm khoảng 4m. Vì thế, sân bay được thiết kế để ngăn nước tràn vào.
Tuy nhiên, ngưỡng dự kiến này đã đạt được chỉ trong 6 năm. Sau đó, chính quyền đã chi 117 triệu bảng Anh (khoảng 146,25 triệu USD) cho việc nâng cao và gia cố kè chắn sóng. Dù vậy, nỗ lực này không mang lại hiệu quả nhiều, sân bay vẫn tiếp tục chìm sâu hơn nữa xuống nước.
Sân bay quốc tế Kansai là một trong những dự án cơ sở hạ tầng tham vọng nhất thế giới. Mở cửa vào năm 1994, Kansai là sân bay đầu tiên trên toàn cầu được xây dựng hoàn toàn trên đảo nhân tạo. Sân bay này sở hữu nhà ga dài nhất thế giới và trong suốt nhiều năm qua, gần như chưa từng để thất lạc hành lý của hành khách.
Ý tưởng xây dựng sân bay trên biển ra đời từ một nhu cầu cấp thiết. Vào cuối thập niên 1960, thành phố Osaka, lớn thứ hai Nhật Bản, phát triển nhanh chóng vượt quá khả năng của sân bay hiện có. Với địa hình bị bao quanh bởi núi, không còn không gian để mở rộng sân bay trong thành phố. Giải pháp duy nhất khả thi là xây dựng sân bay ngoài khơi.
Sau 20 năm lên kế hoạch, sân bay khởi công vào năm 1987. Đây là một dự án khổng lồ và đắt đỏ, với tổng chi phí lên tới 14 tỷ USD vào thời điểm đó, tương đương gần 40 tỷ USD ở thời điểm hiện tại. Dự án yêu cầu xây dựng một đảo mới hoàn toàn, được bảo vệ bởi bức tường chắn sóng dài 11km, nối với đất liền qua một cây cầu có chi phí lên tới 1 tỷ USD. Thành công của sân bay Kansai đã mở đường cho các sân bay trên biển khác sau này.
Dự án táo bạo này được xem là biểu tượng của kiến trúc nhưng cũng gặp phải nhiều thách thức. Năm 2018, Yukako Handa - đại diện của sân bay, giải thích rằng các tính toán cải tạo đất cho sân bay Kansai đã xem xét đến mực nước ngầm dự kiến và ước tính sụt lún trong 50 năm. Tuy nhiên, thách thức lớn trong quá trình xây dựng sân bay là bản chất của đất bên dưới. Nó được mô tả giống như một miếng bọt biển ướt, mặt đất cần được làm khô và nén chặt trước khi tiến hành xây dựng. Công nhân đã đổ hàng mét cát lên trên đáy biển đất sét, sau đó lắp đặt và đổ đầy 2,2 triệu ống thẳng đứng bằng cát. Tiếp đó, họ sử dụng đất để tạo thành một nền móng vững chắc. Khi hòn đảo bắt đầu chìm xuống đáy biển, đội xây dựng đã thực hiện các biện pháp như lắp các tấm mới và nâng các cột để giảm thiểu tình trạng sụt lún. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của họ, tình trạng sụt lún vẫn tiếp diễn không ngừng.
Ngoài ra, sân bay thường xuyên phải đối mặt với điều kiện thời tiết bất lợi và thiên tai. Năm 2018, cơn bão Jebi tấn công khiến sân bay phải tạm thời đóng cửa, hàng nghìn hành khách bị mắc kẹt.
Sau đó, cơn bão đã cuốn một tàu chở dầu và liên tục đập vào cầu, gây thiệt hại lên tới hàng triệu bảng Anh.
Gần đây, phía quản lý đang có ý định tiến hành diễn tập động đất và sóng thần để đảm bảo nhân viên sẵn sàng ứng phó với các trường hợp khẩn cấp.
Kansai đón khoảng 20 triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Đáng chú ý, nơi đây được coi là sân bay đầu tiên trên thế giới được xây dựng trên mặt nước.
Nguồn: The Sun
>>Dự án sân bay hơn 30.000 tỷ tại tỉnh nhỏ nhất Việt Nam có tin vui