Sân bay 7.000 tỷ đồng tại thị xã cao nhất Việt Nam ‘đỏ mắt’ tìm nhà đầu tư
Dự án này đã tổ chức mời thầu liên tiếp từ tháng 5/2022 đến tháng 9/2022 mà không có bất kỳ nhà đầu tư nào nộp hồ sơ.
Đầu tháng 4/2024, UBND tỉnh Lào Cai có Tờ trình số 49/Tr-UBND gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị thẩm định thẩm định điều chỉnh Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Cảng hàng không Sa Pa.
UBND tỉnh Lào Cai đề nghị cấp có thẩm quyền giữ nguyên tổng mức đầu tư của dự án theo Quyết định số 1773/QĐ-TTg ngày 21/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án là 6.948 tỷ đồng, thực hiện điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư.
Cụ thể, tổng mức đầu tư dự án giai đoạn I là 4.207 tỷ đồng (dự án thành phần 1 sử dụng vốn ngân sách nhà nước là 555 tỷ đồng; dự án thành phần 2 - xây dựng cảng hàng không thực hiện theo phương thức đối tác công - tư (PPP) là 3.652 tỷ đồng); tổng mức đầu tư giai đoạn II là 2.741 tỷ đồng (toàn bộ số vốn này thuộc dự án thành phần 2 - xây dựng cảng hàng không).
Dẫn tin từ báo Đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn kiến nghị thay đổi cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án Cảng hàng không Sa Pa để làm tăng tính hấp dẫn sau 2 lần mời thầu liên tiếp từ tháng 5/2022 đến tháng 9/2022 mà không có bất kỳ nhà đầu tư nào nộp hồ sơ dự thầu. Đây là lý do chính khiến dự án buộc phải tiến hành các thủ tục xin điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Theo đề xuất của UBND tỉnh Lào Cai, trong giai đoạn I, vốn do nhà đầu tư huy động (vốn chủ sở hữu, vốn tín dụng) thực hiện dự án thành phần 2 là 2.104 tỷ đồng; vốn Nhà nước tham gia là 2.102 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu là 600 tỷ đồng; ngân sách địa phương tự cân đối là 1.502 tỷ đồng).
Giai đoạn II, vốn do nhà đầu tư huy động (vốn chủ sở hữu, vốn tín dụng) là 1.388 tỷ đồng; vốn Nhà nước tham gia dự án là 1.353 tỷ đồng (nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương tự cân đối trong giai đoạn 2026-2030 và các nguồn thu hợp pháp khác).
Tính chung, tổng vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án Cảng hàng không Sa Pa theo đề xuất điều chỉnh của UBND tỉnh Lào Cai ở cả 2 giai đoạn là 3.456 tỷ đồng, tăng khoảng 725 tỷ đồng so với con số được phê duyệt tại Quyết định số 1773/QĐ-TTg.
Mới đây, tại Công văn số 5322/BKHĐT-PTHTĐT gửi UBND tỉnh Lào Cai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan thường trực của Hội đồng Thẩm định liên ngành đã đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự án Cảng hàng không Sa Pa bổ sung một số căn cứ pháp lý, tài liệu.
Các tài liệu cần bổ sung gồm: báo cáo về tình hình thực hiện dự án thành phần 1 - giải phóng mặt bằng và tái định cư; báo cáo thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư công của tỉnh Lào Cai; các văn bản liên quan kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, khảo sát sự quan tâm của các nhà đầu tư; quá trình lựa chọn nhà đầu tư; điều chỉnh một số tiêu chí trong hồ sơ mời thầu…
Thị xã Sa Pa được thành lập ngày 1/1/2020 trên cơ sở toàn bộ diện tích 681km2 và dân số 66.600 người. Thị xã nằm trọn trên dãy núi Hoàng Liên Sơn với độ cao trung bình 1.500-1.800m so với mực nước biển, đây là thị xã cao nhất Việt Nam. Với Cảng hàng không Sa Pa được xây dựng để thực hiện mục tiêu của tỉnh Lào Cai là đưa Sa Pa trở thành khu du lịch tầm cỡ quốc tế.
>> Truy tìm khu vực được Huawei ‘chọn mặt gửi vàng’ xây trung tâm nghiên cứu hơn 1 tỷ USD
Sân bay Long Thành đón tin vui, tuyến đường nối hơn 2.600 tỷ đồng sẽ hoàn thành đúng dịp 2/9
'Song đường' hơn 2.600 tỷ kết nối sân bay lớn nhất Việt Nam với TP. HCM được đẩy nhanh tiến độ