Sân bay lớn nhất Việt Nam đang chờ hoàn tất thủ tục để đưa vào khai thác
Với tiến độ triển khai thi công "thần tốc" trên tinh thần "vượt nắng thắng mưa, không thua bão gió", sân bay Long Thành giai đoạn 1 hiện đang được triển khai các thủ tục để đưa vào khai thác.
Mới đây, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Uông Việt Dũng đã chủ trì cuộc họp về công tác triển khai các thủ tục nhằm đưa sân bay Long Thành vào khai thác theo kế hoạch.
Theo đó, tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo Cảng vụ hàng không miền Nam; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV); Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM); Công ty Quản lý bay miền Nam và các phòng chuyên môn thuộc Cục Hàng không.
Tại cuộc họp, Cục trưởng Uông Việt Dũng đã đề nghị các cơ quan, đơn vị nghiên cứu đóng góp ý kiến để hoàn thiện Đề án quản lý, khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành nhằm đảm bảo nội dung Đề án phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế về hàng không dân dụng.

Theo đó, đối với Phụ lục lộ trình thực hiện các thủ tục đưa vào khai thác sân bay Long Thành, Cục trưởng Uông Việt Dũng đã đề nghị các cơ quan, đơn vị khẩn trương nghiên cứu, rà soát bảng tiến độ thực hiện các thủ tục hành chính để đề xuất, sửa đổi sao cho phù hợp với kế hoạch cụ thể, chi tiết các thủ tục hành chính nhằm dự kiến khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Trước đó ngày 29/3/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 692 phê duyệt điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Theo đó, tiến hành điều chỉnh, bổ sung khoản 18 Điều 1 Quyết định số 1777 về thời gian thực hiện Dự án: 2020-2026 (cơ bản hoàn thành trong năm 2025).
Vì thế, Cục hàng không cần thống nhất và báo cáo Ban Chỉ đạo Long Thành về nội dung cơ bản hoàn thành trong năm 2025 (các hạng mục công trình phải hoàn thành trong năm 2025).
Mục tiêu đặt ra là thực hiện chuyến bay kỹ thuật kiểm tra phương thức bay, các hạng mục công trình cũng như phương tiện, trang thiết bị cần đảm bảo như: Đảm bảo hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay, hệ thống sơn kẻ tín hiệu, nhân sự phục vụ công tác khẩn nguy theo yêu cầu cấp 7...

Ngoài ra cần nhanh chóng hoàn thiện thiết kế phương thức bay truyền thống ILS/DME, thực hiện thẩm định và tổ chức đánh giá trên SIM và bay đánh giá phương thức bay; hoàn thiện đo đạc tọa độ WGS-84 tại sân bay Long Thành; hoàn thiện Quy chế bay trong khu vực Cảng.
Cần có sự chuẩn bị đầy đủ về mặt nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật cũng như các nội dung liên quan nhằm đảm bảo cơ sở cung cấp dịch vụ dẫn đường hàng không tại sân bay Long Thành đủ điều kiện cấp giấy phép khai thác trước khi tổ chức bay kỹ thuật.
Cục trưởng cũng lưu ý các đơn vị cần khẩn trương thực hiện đánh giá phương thức bay trên SIM và bay đánh giá phương thức bay truyền thống VOR/DME nhằm triển khai thẩm định, đánh giá, chủ trì và phối hợp với các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan nhằm hoàn thiện Quy chế bay trong khu vực sân bay Long Thành.
Nhằm đảm bảo cho công tác bay của sân bay Long Thành, cần chuẩn bị đầy đủ về mặt nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật, tài liệu, phương án vận hành khai thác cũng như các nội dung liên quan nhằm đảm bảo Cơ sở cung cấp dịch vụ ANS tại sân bay Long Thành được đủ điều kiện cấp giấy phép khai thác trước khi tổ chức bay kỹ thuật; cập nhật tình hình tiến độ thực hiện thường xuyên; nắm bắt khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp, báo cáo Ban chỉ đạo Long Thành kịp thời giải quyết...
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD, chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 dự kiến khai thác vào năm 2026 với vốn đầu tư 5,45 tỷ USD, đạt công suất 25 triệu lượt khách/năm. Giai đoạn 2 triển khai từ năm 2028-2032, nâng công suất lên 50 triệu lượt khách/năm. Giai đoạn 3 sẽ bắt đầu sau năm 2035, đưa công suất sân bay lên 100 triệu lượt khách/năm và giúp sân bay Long Thành trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam.
>> Sân bay tại tỉnh dự kiến sáp nhập với Đà Nẵng sẽ có quy mô lớn bậc nhất Việt Nam
Hai tỉnh 'uống' chung một dòng nước Vàm Cỏ Đông, từng thuộc TP. HCM có tái diễn tình trạng sáp nhập?
Toàn cảnh không gian quanh hồ Gươm trước khi cải tạo, mở không gian công cộng