"Sân chơi" trái phiếu: Nhiều tiềm năng - Lắm cạm bẫy

18-03-2022 14:05|Trần Trung

Giới phân tích nhận định, dư địa tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam hiện là rất lớn bởi quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam còn nhỏ bé so với khu vực.

Dẫn nguồn tinnhanhchungkhoan.vn, trên các “chợ trái phiếu”, nhiều loại trái phiếu doanh nghiệp đang được tấp nập chào bán cho các nhà đầu tư cá nhân. 

Bất chấp các quy định cấm bán trái phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân, các đơn vị phát hành đều có nhiều cách để lách quy định. Dù chưa có số liệu thống kê cụ thể 2 tháng đầu năm nhưng chỉ tính riêng trong năm 2021, các công ty chứng khoán mua tới 109.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp và 80% số trái phiếu doanh nghiệp đó được “sang tay” nhà đầu tư cá nhân.

Số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho thấy, trong 2 tháng đầu năm, tổng giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ tăng 51%.

Còn theo số liệu của FiinPro, 2 tháng đầu năm, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra thị trường đạt gần 26.000 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng phát hành trái phiếu doanh nghiệp của khối doanh nghiệp bất động sản 2 năm qua tăng hơn 60%.

Dư địa tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá là rất lớn bởi quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam còn nhỏ bé so với khu vực. Tuy vậy, sự tham gia ngày càng nhiều của những nhà đầu tư không chuyên khiến thị trường đang xuất hiện nhiều “bẫy lãi suất”, bẫy thanh khoản.

Ngoại trừ trái phiếu doanh nghiệp của khối ngân hàng (hầu như chỉ bán chéo cho nhau và không phát hành ra nhà đầu tư cá nhân) thì phần lớn trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản. Tuy vậy, lượng dự án mở bán hạn chế trong 2 năm qua trong khi lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành kỳ hạn ngắn rất lớn dẫn đến áp lực trả nợ ngắn hạn với nhà phát hành là rất lớn.

Tại Tọa đàm “Nhận diện cơ hội thị trường chứng khoán 2022” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 15/3/2022, chia sẻ về câu chuyện về trái phiếu doanh nghiệp, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh đánh giá, trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu tập trung vào các phân khúc đầu cơ mà ít đi vào sản xuất, kinh doanh, tiềm ẩn những rủi ro lớn.

Bước sang năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có bước phát triển nhất định về cơ chế giám sát, mục đích sử dụng vốn nhưng mới chỉ hạn chế trong khu vực các tổ chức tín dụng trong khi ngoài khu vực này vẫn còn nhiều việc phải làm.

Tuy nhiên, những trở ngại từ khâu phát hành và đầu tư vẫn còn tồn tại chưa được khắc phục và chưa có tiến bộ đột phá. Vì vậy, có thể nói rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam năm 2022 vẫn sẽ tiếp tục trong tình trạng phát triển khó khăn cả về chất lượng trái phiếu doanh nghiệp, độ tín nhiệm của nhà phát hành và độ tin cậy của nhà đầu tư, năng lực giám sát và quản lý thị trường của cơ quan quản lý. Tốc độ tăng trưởng thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2022 vì vậy vẫn ở mức thấp, mặc dù nhu cầu về vốn trung dài hạn của nền kinh tế là rất lớn.

Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ hơn về tín dụng trung dài hạn và hệ thống pháp lý được hoàn thiện hơn, có thể thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ có những bước phát triển mới vào năm 2023 trở đi.

Dòng vốn trái phiếu chủ yếu đổ vào lĩnh vực đầu cơ trong khi đường đi của tiền lại không thể kiểm soát, khiến tình trạng phổ biến là doanh nghiệp sử dụng trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ, mua dự án, mua bán doanh nghiệp…, gây ra nhiều hệ lụy khác cho thị trường và cho cả ngân hàng.

Vì vậy, để làm lành mạnh thị trường này, ông Nghĩa cho rằng,  phải minh bạch thông tin tài chính và mục đích sử dụng vốn của nhà phát hành, đồng thời phải có thị trường trái phiếu thứ cấp để tăng tính thanh khoản.

Được biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang khẩn trương xây dựng sàn mua bán trái phiếu thứ cấp, kỳ vọng sẽ ra mắt cuối năm nay. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đang sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp để siết lại chất lượng trái phiếu này.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu siết quá chặt thì thị trường lại đóng băng. Trong bối cảnh tín dụng thắt chặt, nếu doanh nghiệp bị siết cả kênh trái phiếu, thì việc phục hồi kinh tế càng trở nên nan giải.

Ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, không thể có quy định nào loại bỏ hết rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Để phát triển thị trường này, chỉ nên tăng các quy định để tăng minh bạch chứ không phải bằng cách đưa ra các rào cản.

Đồng tình với ý kiến trên, các công ty chứng khoán cũng cho rằng chỉ nên đưa ra quy định để hạn chế bớt rủi ro và phân loại mức độ rủi ro nhằm cảnh báo nhà đầu tư. Mỗi nhà đầu tư phải dựa trên hiểu biết và khẩu vị rủi ro của mình để đưa ra quyết định cũng như tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

‘Bom nợ’ trái phiếu vẫn chực chờ, doanh nghiệp bất động sản manh nha phát hành trở lại

Ngân hàng đua nhau phát hành 176.006 tỷ đồng trái phiếu

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/san-choi-trai-phieu-nhieu-tiem-nang-lam-cam-bay-123554.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    "Sân chơi" trái phiếu: Nhiều tiềm năng - Lắm cạm bẫy
    POWERED BY ONECMS & INTECH