Sản lượng thuỷ sản tháng 4 ước đạt 748 nghìn tấn - Xuất khẩu trên đà hồi phục?

30-04-2023 13:04|Vân Anh

Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt 2.637 nghìn tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng thủy sản tháng 4/2023 ước đạt 747,8 nghìn tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 538 nghìn tấn, tăng 0,7%; tôm đạt 101 nghìn tấn, tăng 1,3%; thủy sản khác đạt 108,8 nghìn tấn, tăng 0,2%. 

Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước đạt 396,8 nghìn tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Cá đạt 263,9 nghìn tấn, tăng 2,3%; tôm đạt 89,2 nghìn tấn, tăng 2,5%.

Sản lượng thu hoạch cá tra trong tháng tăng so với cùng kỳ năm trước do giá bán cá tra duy trì ổn định ở mức khá . Sản lượng cá tra trong tháng ước đạt 134 nghìn tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng tôm trong tháng tăng so với cùng kỳ năm trước do thời tiết thuận lợi, độ mặn thích hợp để thả nuôi. Sản lượng tôm thẻ chân trắng ước đạt 61,8 nghìn tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú ước đạt 23,3 nghìn tấn, tăng 1,1%.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng ước đạt 351 nghìn tấn, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước do chi phí nhiên liệu tăng và đẩy mạnh thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho các tàu khai thác thủy sản biển cùng với việc chính quyền các cấp vận động người dân bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên, hạn chế một số công cụ đánh bắt cũng như có chính sách khuyến khích thả nuôi, nhân giống thủy sản nhằm bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản.

Sản lượng thủy sản khai thác bao gồm: Cá đạt 274,1 nghìn tấn, giảm 0,8%; tôm đạt 11,8 nghìn tấn, giảm 7,1%; thủy sản khác đạt 65,1 nghìn tấn, giảm 2,4%. Sản lượng thủy sản khai thác biển ước đạt 336,4 nghìn tấn, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt 2.637 nghìn tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 1.942,6 nghìn tấn, tăng 1,2%; tôm đạt 285,5 nghìn tấn, tăng 1,9%; thủy sản khác đạt 408,9 nghìn tấn, tăng 0,6%.

Theo dự báo, xuất khẩu thủy sản sẽ hồi phục dần từ quý 2 sau khi diễn ra các chương trình hội chợ quốc tế tại Mỹ và EU thu hút thêm các bạn hàng đến với Việt Nam.

Trung Quốc sẽ trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất, nhưng áp lực cạnh tranh rất lớn vì các nhà xuất khẩu và các thương gia các nước cũng tập trung vào thị trường này sau mở cửa. xuất khẩu sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc khó bứt phá vì lạm phát khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và giá nhập khẩu trung bình giảm so với năm trước.

Từ thực tế biến động thị trường, các DN thủy sản có điều chỉnh hợp lý các sản phẩm xuất khẩu. Ví dụ, với Trung Quốc thì ngoài sản phẩm đông lạnh, DN nên tận dụng lợi thế về vị trí địa lý gần để tăng xuất khẩu tôm, hải sản tươi/sống cho phân khúc nhà hàng, khách sạn, du lịch.

Với các thị trường lớn khác như Mỹ, EU, DN quan tâm hơn đến xu hướng nhập khẩu hàng cho các siêu thị châu Á, nghĩa là các dòng sản phẩm truyền thống của người châu Á vẫn đang hút khách: hàng khô, nước mắm, mắm ruốc…


Cảnh báo 'thẻ vàng IUU' - Cú sốc lớn với ngành thủy sản Việt Nam

Cá tra Vĩnh Hoàn (VHC) rộng đường vào Mỹ thời Donald Trump

Theo kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/san-luong-thuy-san-thang-4-uoc-dat-748-nghin-tan-xuat-khau-tren-da-hoi-phuc-181107.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Sản lượng thuỷ sản tháng 4 ước đạt 748 nghìn tấn - Xuất khẩu trên đà hồi phục?
    POWERED BY ONECMS & INTECH