Sân vận động 40.000 chỗ lớn nhất Việt Nam: Là trung tâm khu liên hợp thể thao quốc gia duy nhất cả nước, từng lọt top 5 SVĐ tốt nhất Đông Nam Á
Sân vận động này không chỉ là biểu tượng của thể thao Việt Nam mà còn là nơi diễn ra các sự kiện quốc gia và quốc tế đặc sắc.
Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình hay còn gọi “sân vận động Mỹ Đình” là trung tâm khu liên hợp thể thao quốc gia duy nhất Việt Nam. Nơi đây được xem là một biểu tượng nổi bật, quan trọng trong lĩnh vực thể thao của nước nhà. Đặc biệt, năm 2020 sân vận động quốc gia Mỹ Đình của Việt Nam còn vinh dự được trang chủ của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) lựa chọn là 5 sân vận động tốt nhất khu vực Đông Nam Á.
Theo đó, sân vận động Mỹ Đình được khánh thành vào năm 2003, nằm trên đường Lê Đức Thọ, khu vực Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Sân có sức chứa lên tới 40.192 chỗ ngồi, trong đó bao gồm các khu vực đặc biệt dành cho VIP và báo chí, được trang bị ghế nhựa nhập khẩu từ Pháp, mang lại sự thoải mái và tiện nghi tối đa cho khán giả.
Với diện tích khu vực sân vận động lên tới 17,5ha, sân Mỹ Đình bao gồm một sân chính và hai sân tập, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tập luyện và thi đấu cho các đội tuyển.
Để làm nổi bật tính quan trọng của sân vận động, các kiến trúc sư đã thiết kế sân vận động không đối xứng với mái bằng tăng dần theo trục chính mà để các khán đài phía Tây vượt lên trên và chi phối các khán đài ở phía Đông. Cụ thể, khán đài phía Tây và Đông cao 25,8m, được thiết kế hai tầng, mang đến tầm nhìn rộng rãi và thoải mái. Trong khi đó, khán đài phía Bắc và Nam cao 8,4m, chỉ có một tầng, tạo sự cân đối và hài hòa trong tổng thể kiến trúc.
Sự không đối xứng này được tiết lộ không chỉ mang tính thẩm mỹ cao mà còn phục vụ mục đích công năng rõ rệt giúp tối đa hóa sức chứa của khán đài phía Tây để tạo ra những chỗ ngồi tốt nhất cho khán giả.
Về kiến trúc, sân Mỹ Đình mang đậm nét đặc trưng khi kết hợp giữa kiểu dáng cổ xưa và hình ảnh hiện đại. Đặc biệt, các hình khối của mái phía trên các khán đài được lấy cảm hứng từ hình dáng của trống đồng Việt Nam, một biểu tượng văn hóa truyền thống. Điều này không chỉ tạo nên vẻ đẹp độc đáo cho sân vận động mà còn thể hiện sự tôn vinh và gắn kết với văn hóa dân tộc.
Ngoài ra, trong sân vận động Mỹ Đình còn có đường chạy đạt tiêu chuẩn thi đấu các giải điền kinh tầm cỡ châu Á cùng nhiều tiện ích đa dạng như sân bóng đá, sân điền kinh, sân tập ném và nhảy,... tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều bộ môn thể thao khác nhau phát triển.
Được biết, trận đấu đầu tiên diễn ra trên sân vận động Mỹ Đình là trận giao hữu giữa đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam và câu lạc bộ Shanghai Shenhua (Trung Quốc). Đây là một sự kiện đặc biệt, đánh dấu sự khởi đầu của một biểu tượng thể thao mới tại Việt Nam, thu hút sự chú ý của đông đảo người hâm mộ và giới truyền thông.
Tiếp đó, vào cuối năm 2003, sân vận động Mỹ Đình chính thức được sử dụng cho SEA Games 22. Đây là kỳ SEA Games đầu tiên mà Việt Nam đăng cai tổ chức. Với cơ sở hạ tầng hiện đại và quy mô lớn, sân vận động đã góp phần không nhỏ vào thành công của SEA Games 22, mang đến những khoảnh khắc đáng nhớ cho cả vận động viên và khán giả.
Ngọn đuốc SEA Games 22 được thắp lên trên sân vận động Mỹ Đình (Ảnh: Internet)
Bên cạnh đó, sân vận động Mỹ Đình còn là nơi diễn ra các sự kiện giải trí đặc sắc. Điển hình như cuối tháng 7/2023, BlackPink - nhóm nhạc nổi tiếng thế giới đến từ Hàn Quốc, đã chọn sân vận động Mỹ Đình là nơi tổ chức hai đêm nhạc hội. Trong hai đêm diễn của BlackPink, lượng khán giả được ghi nhận là 67.443, tỷ lệ "cháy vé" là 100%. Đây được xem là buổi hòa nhạc có doanh thu và số người tham dự cao nhất lịch sử Việt Nam. Sự kiện này không chỉ thúc đẩy kinh tế, quảng bá du lịch nước nhà mà còn nâng cao vị thế của sân vận động Mỹ Đình ra quốc tế.
Thời gian gần đây, một loạt các biện pháp nâng cấp và chăm sóc đặc biệt đã được diễn ra tại sân vận động Mỹ Đình.
Những cải tiến này không chỉ nhằm nâng cao chất lượng và tiện nghi của sân vận động trong vòng loại thứ 2 World Cup 2026 mà còn làm cho sân Mỹ Đình ngày càng trở nên đẹp và ấn tượng hơn.