Vĩ mô

Sàng lọc, chuẩn hóa cán bộ, công chức

PV (Theo TTXVN) 15/04/2025 09:10

Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII đã quyết nghị tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh và cấp xã. Sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay. Điều này đặt ra nhiều vấn đề về trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam cho rằng, phải quy định lại tiêu chuẩn để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có thể gánh vác và hoàn thành tốt nhiệm vụ là “công bộc của nhân dân”.

Bỏ tư duy “biên chế suốt đời”, từng bước thực hiện chế độ công chức hợp đồng

Nhiều người băn khoăn về năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức khi sáp nhập xã, phường. Để đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới, cán bộ, công chức cần có những tiêu chuẩn gì, thưa ông?

Tiến sĩ Trần Anh Tuấn: Từ khi thành lập nước tới nay, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ngày càng trưởng thành, phát triển, trở thành một bộ phận quan trọng của nền công vụ; đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ nhân dân tại địa phương.

Từ năm 1986 (đổi mới) tới nay, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định tiêu chuẩn về phẩm chất, trình độ và năng lực đối với cán bộ, công chức, trong đó có đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Trong cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp tới sẽ tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động của chính quyền cấp tỉnh và cấp xã sẽ có nhiều điểm đổi mới; công nghệ số và trí tuệ nhân tạo sẽ được sử dụng nhiều để hỗ trợ, nâng cao hiệu quả của hoạt động công vụ. Điều đó đòi hỏi phải xây dựng chế độ công vụ theo vị trí việc làm gắn với chức danh, chức vụ; bỏ tư duy “biên chế suốt đời” bằng việc từng bước thực hiện chế độ công chức hợp đồng; làm việc ở vị trí việc làm nào thì bổ nhiệm vào chức vụ hoặc chức danh tương ứng; bỏ thi nâng ngạch; thực hiện chế độ công vụ thống nhất, không còn thuật ngữ “cán bộ, công chức cấp xã” nữa...

Cái chúng ta quan tâm là vấn đề năng lực thực sự của cán bộ, công chức để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các chính sách được xây dựng và ban hành có chất lượng, đi vào cuộc sống; các nhu cầu của người dân hoặc doanh nghiệp được giải quyết nhanh, không ách tắc, chậm trễ… không phải do học hệ nào (chính quy hay tại chức- PV), trên hay dưới đại học, mà do năng lực thực thi công vụ của cán bộ, công chức.

Sàng lọc, chuẩn hóa cán bộ, công chức ảnh 1
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn

Cùng với “thay cũ, đổi mới” trong nền công vụ, phải quy định lại tiêu chuẩn cán bộ, công chức, không nên dừng lại ở các phẩm chất chung chung, đo lường trình độ nặng về bằng cấp..., mà phải cụ thể. Như vậy mới có căn cứ để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thực sự là những người làm việc, có thể gánh vác, đảm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ phục vụ nhân dân, là “công bộc của nhân dân” trong kỷ nguyên mới.

Ví dụ phải chú ý đưa vào tiêu chuẩn quy định các kiến thức cơ bản; các kỹ năng: quản trị hành chính, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, giao tiếp với nhân dân, soạn thảo văn bản, làm việc nhóm, sử dụng công nghệ số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo… Hoặc về phẩm chất, phải nhấn mạnh đến trách nhiệm phục vụ nhân dân; tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không trái các quy định của pháp luật...

Sàng lọc, chuẩn hóa trình độ

Phải chăng đây là dịp để chúng ta sàng lọc, chuẩn hóa trình độ của cán bộ, công chức cấp xã, loại những người có bằng dưới đại học, bằng đại học tại chức?

Đây là cơ hội để đánh giá, sàng lọc, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhưng không phải để loại những người có bằng dưới đại học, bằng đại học tại chức, giữ lại những người có bằng chính quy. Bằng đại học dù là hệ chính quy, mở rộng, tại chức, từ xa..., đều là bằng đại học và đều có giá trị như nhau trước pháp luật. Không nên phân biệt hệ đào tạo.

Cái chúng ta quan tâm là vấn đề năng lực thực sự của cán bộ, công chức để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các chính sách được xây dựng và ban hành có chất lượng, đi vào cuộc sống; các nhu cầu của người dân hoặc doanh nghiệp được giải quyết nhanh, không ách tắc, chậm trễ… không phải do học hệ nào ( chính quy hay tại chức- PV) , trên hay dưới đại học, mà do năng lực thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Dù trong thời đại hiện nay, có công nghệ, số, có trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ, nhưng nếu thiếu năng lực sử dụng AI, đặt yêu cầu, ra câu hỏi, hoặc đánh giá các nội dung AI đưa ra…, thì vẫn không giải quyết vấn đề gì. Trí tuệ nhân tạo chỉ là công cụ hỗ trợ nâng cao hiệu quả công việc, không thể thay thế con người được.

Sàng lọc, chuẩn hóa cán bộ, công chức ảnh 2
Hoạt động hành chính công bộ phận một cửa tại UBND thị trấn Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội Ảnh: Như Ý

Trong dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) Bộ Nội vụ đề xuất không phân biệt công chức cấp xã với công chức cấp tỉnh và cấp Trung ương. Theo ông quy định này có ý nghĩa như thế nào?

Tôi rất tán thành đề xuất này của Bộ Nội vụ. Trong một quốc gia thống nhất thì nền công vụ phải thống nhất. Cấp xã là một cấp chính quyền. Hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã cũng là hoạt động công vụ như cán bộ, công chức cấp tỉnh. Không nên phân chia, phân loại cán bộ, công chức giữa các cấp, các ngành với nhau.

Trước đây, chúng ta quy định cán bộ, công chức cấp xã thành một chương trong Luật Cán bộ, công chức là bởi lịch sử hình thành cán bộ ở xã, phường, thị trấn với chất lượng chưa được chuẩn hóa. Nay cơ bản chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đã được cải thiện và chuẩn hóa như cán bộ, công chức thì không nên phân biệt, phân loại cán bộ, công chức ở Trung ương với cấp tỉnh, cấp xã. Đề xuất này nếu được Quốc hội thông qua sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc xây dựng một nền công vụ mới, một nền công vụ chuyên nghiệp, thống nhất, trách nhiệm, năng động, hiện đại và hiệu quả, thay thế hoàn toàn chế độ chức nghiệp bằng chế độ vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp sắp tới.

Chọn người có đủ năng lực

Ông nghĩ sao về đề xuất đưa cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện (cũ) về làm ở các xã mới sau sáp nhập?

Trong hoạt động công vụ, việc điều động, thuyên chuyển, bố trí, tăng cường cán bộ, công chức giữa các cấp chính quyền là bình thường, nhất là khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (giảm 1 cấp) thì việc điều động, bố trí lại cán bộ, công chức là một tất yếu. Bởi lẽ, chính quyền cơ sở ở các xã, phường mới (sau sáp nhập) sẽ có vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động rất khác so với xã, phường hiện nay. Do đó phải đánh giá, sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ, công chức gắn với việc điều chỉnh, bổ sung, tăng cường.

Việc đánh giá, phân loại, điều động, thuyên chuyển, bố trí nhân sự là một nội dung quản lý cán bộ, công chức và được thực hiện trên cơ sở nhu cầu công tác, nhu cầu nhiệm vụ ở các cơ quan, tổ chức, kể cả chính quyền cấp cơ sở. Vì vậy, sau sáp nhập và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, việc bố trí, điều động, bổ sung hoặc tăng cường cán bộ, công chức ở cấp tỉnh, cấp huyện (cũ) về ở các xã, phường mới sau sáp nhập không những là cần thiết, mà còn là nhiệm vụ bắt buộc phải làm để tăng cường năng lực trong đội ngũ công chức, bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn mới ở cấp xã.

Vậy theo ông, giữa cán bộ có bằng cấp, trình độ và cán bộ có kinh nghiệm làm việc sát cơ sở, nên chọn ai?

Thường thì đa số cán bộ huyện đều trưởng thành từ cơ sở. Không nên so sánh trình độ cán bộ, công chức giữa các cấp. Trình độ và năng lực là 2 khái niệm khác nhau. Có thể trình độ cao hơn nhưng chưa chắc năng lực đã tốt hơn. Người có trình độ chưa chắc đã thành công. Nhưng người thành công thì thường là người có năng lực. Kinh nghiệm là rất quý vì được đúc rút từ thực tiễn và giúp ta tránh được các rủi ro, sai lầm, thất bại. Tuy nhiên, kinh nghiệm cũng chưa hẳn là tất cả.

Tôi rất tâm đắc bài phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII vừa qua, khi nói tới vấn đề nhân sự, đó là “phải lấy tiêu chuẩn cao nhất là vì yêu cầu công việc, sau đó mới đến các tiêu chí khác”. Nếu hỏi tôi, giữa cán bộ, công chức có bằng cấp, trình độ và người có kinh nghiệm làm việc sát cơ sở thì nên chọn ai? Tôi sẽ trả lời rằng: “Tôi sẽ chọn người có đủ năng lực để hoàn thành tốt yêu cầu công việc”.

Trân trọng cảm ơn ông!

>> Sáp nhập tỉnh, thành trên tư duy mới về sự phát triển

Xin ý kiến phục dựng lại đô thị cổ có thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất Đàng Ngoài tại tỉnh dự kiến sáp nhập với Thái Bình

Chọn tên tỉnh, thành sau sáp nhập là cho tương lai, không thể thỏa mãn tất cả

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/sang-loc-chuan-hoa-can-bo-cong-chuc-post1733726.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Sàng lọc, chuẩn hóa cán bộ, công chức
    POWERED BY ONECMS & INTECH