Tỉnh dự kiến sáp nhập với thành phố giàu nhất Việt Nam sắp hoàn thiện cao tốc đầu tiên, rút ngắn gần 1 giờ di chuyển
Dự kiến đến cuối tháng 4 này, gần 20km đầu tiên của cao tốc này sẽ hoàn thành.
Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có tổng chiều dài gần 54km, quy mô 4-6 làn xe, với tổng mức đầu tư khoảng 17.800 tỷ đồng. Dự án được chia thành ba thành phần: Bộ Xây dựng phụ trách đoạn giữa dài 18,2km; UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan chủ quản đoạn đầu dài 16km; trong khi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đảm nhận dự án thành phần 3 dài 19,5km.
Đây là tuyến cao tốc đầu tiên được xây dựng và quản lý bởi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đoạn tuyến bắt đầu từ điểm giáp ranh tỉnh Đồng Nai, kết thúc tại đường tránh Quốc lộ 56, TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo báo Tuổi Trẻ, tính đến giữa tháng 4/2025, khoảng 18km mặt đường đã được thảm nhựa lớp đầu tiên, phần lớn lớp bê tông nhựa rỗng, tức lớp mặt trên cùng đã hoàn thiện gần 100%. Đồng thời, các hạng mục dải phân cách giữa, sơn kẻ phân làn, biển báo và hệ thống an toàn giao thông cũng đang được khẩn trương lắp đặt.
Không khí thi công trên toàn tuyến rất sôi động. Tại các cầu như Suối Nhum, Suối Đá, cầu vượt đường Hội Bài – Châu Pha, cầu Sông Dinh… các nhà thầu đang tập trung nhân lực, đẩy nhanh tiến độ. Ở khu vực nút giao với đường Bà Rịa - Châu Pha, hoạt động thi công diễn ra nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm.
Trên mặt tuyến, hàng loạt nhóm công nhân đang triển khai các công đoạn cuối cùng như làm mái taluy, lắp đặt thanh nhôm lan can, dựng biển báo lý trình, biển chỉ dẫn, số điện thoại khẩn cấp và khung giá long môn cho hệ thống báo hiệu giao thông.

Việc hoàn thành đoạn cao tốc đi qua địa bàn Bà Rịa – Vũng Tàu không chỉ giúp giảm tải áp lực giao thông cho Quốc lộ 51, mà còn tạo liên kết hạ tầng đồng bộ với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải và sân bay quốc tế Long Thành, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng Đông Nam Bộ.
Bên cạnh đó, khi toàn bộ tuyến cao tốc và các tuyến đường kết nối hoàn thành, tuyến đường mới sẽ tạo hành lang di chuyển liền mạch từ TP. Biên Hòa đến TP. Vũng Tàu, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ TP. HCM đến thành phố biển này từ khoảng 120 phút xuống còn 70 phút.
Theo Cục Thống kê TP. HCM, kinh tế thành phố năm 2024 tiếp tục duy trì đà phục hồi ổn định. TP. HCM dẫn đầu cả nước với GRDP năm 2024 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 1,17 triệu tỷ đồng, tăng 7,17%, tương đương 1,78 triệu tỷ đồng theo giá hiện hành.
Ngày 12/04/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII với 12 nội dung quan trọng; kèm theo nghị quyết là danh sách tên gọi các tỉnh, thành phố và trung tâm chính trị - hành chính (tỉnh lỵ) của 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, cụ thể các tỉnh lỵ.
Theo đó, TP. HCM dự kiến sáp nhập với 2 tỉnh là Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.