Sắp có đập điều tiết nước trên con sông đi qua 9 tỉnh, thành của Việt Nam
Việc xây đập điều tiết nước nhằm giảm thiểu và giải quyết tối đa mục tiêu các vấn đề nguồn nước trên địa bàn thành phố.
Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3, diễn ra vào sáng 28/9 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, Phó Bí thư Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã đề xuất nghiên cứu toàn diện việc cải tạo, nâng cấp và thay thế các cầu yếu trên địa bàn thành phố.
Hiện tại, theo thống kê, TP. Hà Nội có nhiều cầu yếu, gây nguy cơ mất an toàn giao thông. Trong đợt bão lũ lịch sử vừa qua, thành phố đã buộc phải tạm ngưng lưu thông qua cầu Long Biên và cầu Đuống để đảm bảo an toàn, gây không ít khó khăn cho người dân.
Về an toàn hệ thống đê điều, bà Tuyến đề nghị triển khai các giải pháp đầu tư đồng bộ trong việc xây dựng và quy hoạch các vùng xung yếu, nhằm đảm bảo sự an toàn cho hệ thống đê. Lãnh đạo TP. Hà Nội cũng kiến nghị đầu tư xây dựng công trình điều tiết tại thượng nguồn sông Cà Lồ.
Bên cạnh đó, thành phố đề nghị áp dụng các giải pháp quy hoạch tiêu thoát nước tại sông Đáy, sông Bùi, sông Tích, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho các huyện như Chương Mỹ, Quốc Oai và Mỹ Đức.
Đặc biệt, Phó Bí thư Thành ủy đề xuất xây dựng đập điều tiết ngang sông Hồng (đã được phê duyệt) nhằm tối ưu hóa việc giải quyết các vấn đề về nguồn nước tiêu trên địa bàn thành phố.
Trước đó, vào tháng 3/2024, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết đã nghiên cứu, nghiệm thu và đề nghị UBND TP. Hà Nội phối hợp đầu tư, xây dựng hai đập dâng lớn trên sông Hồng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp từng nhấn mạnh: "Mặc dù có những mặt trái và tác động, nhưng chúng ta không thể không làm. Việc xây đập trên sông Hồng không chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Hồng mà còn đảm bảo môi trường nước cho Hà Nội và các khu vực xung quanh".
Theo đề xuất, Bộ NN&PTNT sẽ triển khai xây dựng trước hai đập dâng tại khu vực Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên) và cống Long Tửu (Đông Anh, Hà Nội), với dự kiến khởi công trong giai đoạn 2026-2030.
Sông Hồng là một con sông ở miền Bắc Việt Nam, bắt nguồn từ Vân Nam, Trung Quốc và chảy qua các tỉnh thành Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình.
>> Công ty Him Lam bất ngờ xin dừng nghiên cứu dự án cầu vượt sông Hồng hơn 16.000 tỷ
Công ty Him Lam bất ngờ xin dừng nghiên cứu dự án cầu vượt sông Hồng hơn 16.000 tỷ
Sở Giao thông vận tải TP. Hà Nội nói gì về cây cầu bắc qua sông Hồng hơn 19.000 tỷ đồng?