Công ty Him Lam bất ngờ xin dừng nghiên cứu dự án cầu vượt sông Hồng hơn 16.000 tỷ
Theo Công ty Him Lam, việc đầu tư dự án cây cầu này theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT, không phù hợp với Luật PPP.
CTCP Him Lam vừa gửi văn bản đến UBND TP. Hà Nội đề nghị dừng công tác lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho dự án xây dựng cầu Trần Hưng Đạo.
Theo đó, công ty đã có công văn số 153/2024/CV-HL gửi UBND TP. Hà Nội do Tổng Giám đốc Dương Công Hùng ký xin dừng việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Trần Hưng Đạo.
Trong công văn, ông Hùng cho biết, đối với hai phương án đầu tư cầu Trần Hưng Đạo: Phương án 1, nếu đầu tư theo BOT theo đúng quy định, thì vốn ngân sách Nhà nước chiếm 50% và vốn của nhà đầu tư chiếm 50%. Tuy nhiên, điều này không có thời hạn hoàn vốn cho nhà đầu tư.
Phương án 2, nếu muốn hoàn vốn trong 26 năm, tỷ lệ nguồn vốn sẽ là 70,4% từ ngân sách và 29,6% từ nhà đầu tư, nhưng điều này lại trái với quy định của Luật hiện hành.
>> Sở Giao thông vận tải TP. Hà Nội nói gì về cây cầu bắc qua sông Hồng hơn 19.000 tỷ đồng?
Do đó, CTCP Him Lam nhận thấy đầu tư dự án cầu Trần Hưng Đạo theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT, không phù hợp với Luật PPP.
Vì vậy, công ty đề nghị UBND TP. Hà Nội cho phép dừng lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và bàn giao toàn bộ hồ sơ nghiên cứu để thành phố tiếp tục triển khai theo hình thức đầu tư khác khả thi hơn.
Trước đó, ông Phan Trường Thành - Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch - Sở GTVT TP. Hà Nội đã thông tin về vấn đề này và khẳng định việc cầu Trần Hưng Đạo khởi công vào cuối năm 2024 là không chính xác.
Ông cho biết, cầu Trần Hưng Đạo hiện đang xếp sau nhiều dự án cầu khác trong thứ tự ưu tiên đầu tư, như cầu Mễ Sở, cầu Hồng Hà trên Vành đai 4; cầu Vân Phúc, cầu Ngọc Hồi và cầu Thượng Cát.
Trong số này, cầu Thượng Cát và cầu Vân Phúc đang trong quá trình hoàn thiện chủ trương đầu tư. Đối với cầu Trần Hưng Đạo, UBND TP. Hà Nội đang giao Sở GTVT thay đổi chủ trương đầu tư từ phương thức PPP sang đầu tư công, đòi hỏi việc cân đối nguồn vốn.
Ông Thành nhấn mạnh: "Thành phố xác định cần sắp xếp thứ tự đầu tư, ưu tiên bố trí vốn tập trung, tránh dàn trải để đầu tư hiệu quả và hoàn thành dự án đúng kế hoạch. Dự án nào hoàn thành thủ tục đầu tư trước sẽ được triển khai đầu tư trước".
Theo quy hoạch, dự án cầu Trần Hưng Đạo sẽ có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 16.000 tỷ đồng.
Công trình được xây dựng vĩnh cửu với chiều dài toàn tuyến khoảng 5,6km, quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe đạp, 2 làn đi bộ, tốc độ thiết kế 80km/h.
Theo kế hoạch, cầu Trần Hưng Đạo có công tác chuẩn bị, lập thiết kế trong năm 2023-2024; thi công trong giai đoạn 2025-2027 và cơ bản hoàn thành trong năm 2027.
>> Hai cây cầu nghìn tỷ tạo ra diện mạo mới TP. HCM có chuyển động mới
Sở Giao thông vận tải TP. Hà Nội nói gì về cây cầu bắc qua sông Hồng hơn 19.000 tỷ đồng?
Hai cây cầu nghìn tỷ tạo ra diện mạo mới TP. HCM có chuyển động mới