Sắp thương mại hóa 5G, nhà mạng vẫn trăn trở mô hình kinh doanh mới
Công nghệ 5G không chỉ tăng tốc độ kết nối Internet mà còn có tiềm năng thay đổi bộ mặt chuyển đổi số Việt Nam. Mạng 5G sẽ sớm được thương mại hóa để thúc đẩy chuyển đổi số.|
Theo một báo cáo của Qualcomm, 5G sẽ tạo ra giá trị kinh tế khoảng 13.100 tỷ USD và tạo ra 22,8 triệu việc làm mới trên toàn cầu vào năm 2035. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC), báo cáo của GSMA năm 2023 cho thấy, 5G dự kiến sẽ tạo giá trị kinh tế khoảng 113 tỷ USD vào năm 2030.
Đến năm 2025, Viện Chiến lược thông tin và truyền thông dự đoán, 5G sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng GDP Việt Nam khoảng 7,34%. Trong bối cảnh đó, cơ quan quản lý và các nhà mạng Việt Nam đang làm mọi cách để đẩy nhanh tốc độ triển khai mạng 5G, thúc đẩy chuyển đổi số.
Bộ TT&TT giải bài toán khó về tần số cho 5G
Nhận thấy được tầm quan trọng của 5G, ngay từ đầu năm 2019, Bộ TT&TT đã cấp phép triển khai thử nghiệm mạng 5G cho các doanh nghiệp.
Bộ TT&TT cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy việc triển khai 5G, tiến tới thương mại hóa trên toàn quốc. Thương mại hóa 5G sẽ thúc đẩy việc triển khai, ứng dụng 5G trong các ngành, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á, ông Nguyễn Anh Cương, Trưởng phòng Kinh tế, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho hay, năm 2024 sẽ là năm thương mại hoá 5G trên phạm vi toàn quốc.
Để triển khai được việc này, bài toán khó nhất về tần số đã được Bộ TT&TT giải quyết thông qua việc đấu giá thành công hai khối băng tần B1 (2.500-2.600 MHz) và C2 (3.700-3.800 MHz) vào tháng 3/2024. Với khối băng tần C3 (3800 – 3900 MHz), Bộ TT&TT sẽ tiếp tục triển khai đấu giá trong thời gian tới.
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là kết quả của quá trình tháo gỡ những vướng mắc về mặt chính sách trong việc đấu giá tần số của Chính phủ, các Bộ, ngành và Bộ TT&TT. Sự kiện này mở ra một kỷ nguyên mới cho 5G, là cơ sở để phát triển hạ tầng số, phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Bộ TT&TT nhận định, thúc đẩy ứng dụng 5G trong các ngành là yếu tố quan trọng để triển khai hiệu quả 5G tại Việt Nam. Các nhà mạng phát triển 5G và các ứng dụng công nghiệp 5G chính là góp phần tăng năng suất lao động cho quốc gia.
Phát triển kinh tế số quan trọng nhất là các ứng dụng số, ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành. Bộ TT&TT đã chỉ đạo, định hướng các doanh nghiệp viễn thông phải là nòng cốt, tiên phong chủ động sáng tạo các ứng dụng số, giúp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số cho các ngành và lĩnh vực.
Bộ TT&TT đã ban hành quy chuẩn 5G Việt Nam, bắt buộc áp dụng để đảm bảo chất lượng 5G của Việt Nam đi cùng thế giới. Song song đó, Bộ TT&TT đang trong quá trình xây dựng Đề án thành lập Cơ sở đổi mới sáng tạo 5G và Đề án xây dựng phòng lab trọng điểm quốc gia.
“Để khai thác tối đa lợi ích của 5G, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần bắt kịp xu hướng, nghiên cứu ứng dụng 5G phù hợp với đặc thù ngành, từ đó chung tay, cùng với các doanh nghiệp viễn thông sáng tạo, áp dụng các giải pháp 5G vào thực tiễn để nâng cao hiệu quả hoạt động”, đại diện Cục Viễn thông chia sẻ.
Thách thức khi ứng dụng 5G để chuyển đổi số Việt Nam
Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều góc nhìn về câu chuyện thương mại hóa 5G để thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm chiến lược mạng lưới và đổi mới công nghệ, tập đoàn Viettel, đơn vị này gặp phải một số thách thức lớn trong việc triển khai mạng 5G.
Đầu tiên là thách thức về việc triển khai hạ tầng vật lý mạng 5G. Hạ tầng điện và cột anten đã đến giới hạn. Trong khi đó, 5G làm tăng tải trọng cột anten và công suất tiêu thụ của trạm. Viettel đã mất 5 năm cải tạo cột anten và nguồn điện để sẵn sàng cho kỷ nguyên 5G.
Vướng mắc lớn nhất của các nhà mạng khi triển khai 5G cho doanh nghiệp là việc thiếu tri thức về các ngành công nghiệp. “Ví dụ khi chuyển đổi số nhà máy thép bằng 5G, chúng tôi thiếu tri thức làm sao để đánh giá thép thành phẩm đạt yêu cầu. Đó là thách thức lớn nhất khi thúc đẩy ứng dụng 5G trong các ngành công nghiệp để chuyển đổi số”, ông Hải nói
Có cùng quan điểm, ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Chuyển đổi số Tổng Công ty Viễn thông MobiFone cho biết, doanh nghiệp này cũng đang gặp phải tình huống tương tự khi thiếu hụt chuyên gia có trình độ về các ngành công nghiệp.
“Để tìm kiếm một chuyên gia về cảng thông minh tại Việt Nam chắc không có. Chúng tôi phải mời chuyên gia nước ngoài từ Singapore, Đức. MobiFone cần rất nhiều chuyên gia đầu ngành về AI, tư vấn, chuyển đổi số cho các ngành công nghiệp khác nhau ở Việt Nam”, ông Huy chia sẻ.
Từ góc độ Ủy viên Ban Thường vụ Vinasa, ông Huy cho rằng, cuộc cách mạng mới sẽ bùng nổ rất nhanh, 5G sẽ kết hợp với AI để hình thành các hệ thống thông minh như nhà máy thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh,... Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp CNTT cần sớm nghiên cứu phát triển các use case (kịch bản sử dụng) cho 5G.
Theo bà Rita Mokbel, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Ericsson Việt Nam, 5G không chỉ tăng tốc độ kết nối Internet gấp 10 lần, công nghệ mạng này còn có tiềm năng lớn để thay đổi bộ mặt chuyển đổi số tại Việt Nam. Bên cạnh các khách hàng cá nhân, 5G sẽ phục vụ cho khách hàng doanh nghiệp, chính phủ và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế xã hội.